Gần 50 năm qua, ba má tôi ít khi nào xa cách. Người Tây có đám cưới vàng nhưng ba má vốn người quê, những hình thức như vậy thường là điều xa xỉ. Người đời chuộng hình thức nhưng ngôn ngữ thật giới hạn trong hành trình nửa thế kỷ này.
Chữ nghĩa ba má không nhiều. Khi chúng tôi học quá lớp 5, họ chẳng biết gì mà dạy nữa. Chúng tôi chỉ có được những cái nhìn động viên, chỉ có tấm chăn mỏng khoác lên người khi học bài ngủ gục, chỉ có dĩa cơm nguội chiên để ăn sáng đến trường, chỉ có sự yêu thương vô cùng vô tận.
Chúng tôi lớn lên không sung sướng bằng nhiều người nhưng nghĩ lại, ôi thật là hạnh phúc! Tôi từng theo ba lặn hụp hàng giờ vớt rong dưới sông Vàm Cỏ, tôi từng theo má cả ngày đi xin củi. Những nhọc nhằn ấy chưa bao giờ làm tôi mệt. Bao rong trên vai dù nặng nhưng bóng lưng ba còn lớn hơn, bó củi trên vai dù đau nhưng tối về có má xoa dầu. Ngày đó, tôi hay mắc cỡ, bạn bè kêu chẳng dám nhìn. Lớn lên, tôi tự hỏi lòng, liệu người lớn có mắc cỡ không? Hay vì manh áo, miếng cơm mà nuốt nghẹn vào lòng? Hay vì đàn con dại mà cái tôi trở nên bé nhỏ?
Vì nặng gánh mà ba tôi có lúc không dễ thương nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông vung tay đánh má, chưa bao giờ thấy ông trêu ghẹo một người khác giới nào, chưa bao giờ để má và chúng tôi phải đói. Ba má chúng tôi, nếu dễ dàng chia xa thì chúng tôi đã mãi mãi không bao giờ lớn. Có thể sẽ lạc lõng trong tâm hồn trẻ thơ, có thể bất nhân, có thể xảy ra điều gì đó bi kịch do thiếu tình thương mang lại.
Hồi nhỏ, tôi không nói dối, thật thà như ba má đã dạy tôi. Rồi tôi rợn ngợp bởi những mưu toan, lươn lẹo trong cuộc đời. Tôi từng thấy mình khờ dại, đã từng nổi dậy thành kẻ giảo hoạt, gian ngoan. Nhưng mỗi khi về nhìn ba má, tôi biết mình phải quay trở lại. Bởi cái thật thà chưa lấy của tôi điều gì quá đáng. Nhưng cái giảo hoạt, gian ngoan lấy đi của ba má tôi một đứa con, một niềm hy vọng ở trong lòng lớn lắm.
|
Khi nghĩ về mẹ, bạn sẽ nhớ điều gì nhất? Còn tôi, tôi nhớ về đôi bàn chân của mẹ mặc dù đôi bàn chân ấy không gót son ngọc ngà, không có những ngón thon dài mềm mại,…
|
Các anh chị tôi đã “hy sinh” nền học thức cho tôi và em trai út. Một tiếng cảm ơn chẳng nói thành lời, cũng không thể trình diễn bằng vật chất. Có thể, họ không mạch lạc ngôn ngữ. Nhưng con khô sặt của họ mặn vị yêu thương, bó rau muống dâng mẹ cha đượm tình máu mủ. Có lúc, tôi bực mình khi ba má ăn mặn, ăn cay rồi huyết áp cao, rồi thêm mỡ máu. Tôi không biết rằng họ đã ăn những thực phẩm ấy rất ngon lành, bởi đó là tình thương các con dành cho họ. Tôi vẫn hay mỉm cười vì anh chị em trong nhà không quên lời ba má dạy.
Tôi từng mơ thấy ba má nắm tay nhau bước đến chân trời cao rộng. Họ mỉm cười nhìn các con vững chãi trong đời - những người yêu thương anh em tôi mà chẳng có điều kiện gì dù rất nhỏ./.
Huỳnh Thông