Nhà ở cho công nhân (CN), người lao động (LĐ) có thu nhập thấp đang là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp (K,CCN) như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,... lại cần phải được quan tâm hơn.
Vừa qua, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam đã bộc lộ hàng loạt vấn đề bức xúc về nhà ở cho CN và người LĐ có thu nhập thấp. Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều khu chế xuất, K,CCN tạm ngừng và đóng cửa dây chuyền sản xuất, đời sống của người LĐ gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để thuê nhà ở,... nên phải về quê, tạo ra những di biến động lớn trong đời sống xã hội.
Việc thiếu nhà ở cho CN gần các khu chế xuất, K,CCN khiến cuộc sống của người LĐ gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp cũng khó giữ chân người LĐ lâu dài. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho CN, doanh nghiệp sẽ có lực lượng LĐ ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định an ninh, trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương.
Theo kết quả khảo sát gần đây, có tới hơn 65% CN trong các khu chế xuất, K,CCN là người nhập cư từ các địa phương khác, trong khi nhà ở cho người LĐ chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Mặc dù Nhà nước đã có cơ chế và các quy định dành quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở cho CN tại các khu chế xuất, K,CCN nhưng đến nay, việc triển khai, thực hiện nhà ở cho CN tại các địa phương, doanh nghiệp vẫn còn trì trệ. Thậm chí, hiện tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều KCN: Không bố trí đất xây nhà cho CN, cắt phần đất xây dựng nhà ở để làm kho bãi, nhà xưởng cho thuê. Chưa kể, nhiều quy định liên quan đến việc phát triển KCN đã được đổi mới và luật hóa nhưng việc xây dựng nhà ở cho CN trong các KCN vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng vẫn còn rất nhiêu khê. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề phát triển nhà ở, ổn định nơi cư trú và an sinh xã hội cho CN.
Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp chăm lo chỗ ở cho CN tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện, trong đó có việc nỗ lực hoàn thành các dự án nhà ở cho CN, nhà ở xã hội cho người LĐ có thu nhập thấp. Tại Long An đã xây dựng Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho CN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 ở tỉnh sẽ xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội cho CN và người khó khăn về nhà ở, giải quyết được khoảng 50% số CN có nhu cầu về nhà ở tại các K,CCN. Ngoài ra, định hướng đến năm 2030, xây dựng khoảng 1.000.000 căn nhà ở xã hội cho CN và người có khó khăn về nhà ở, giải quyết được khoảng 100% CN có nhu cầu về nhà ở tại các K,CCN.
CN, người thu nhập thấp có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Để CN, người LĐ tại các khu chế xuất, K,CCN ổn định cuộc sống, an tâm LĐ, sản xuất, cần có sự chung tay, đồng lòng và quyết tâm của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong việc giải quyết nhà ở cho người LĐ. Và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Muốn vậy, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính,... để huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho CN tại các khu chế xuất, K,CCN./.
Thanh Tuyền