Tiếng Việt | English

06/03/2018 - 12:03

Cùng nâng chất “văn hóa họp”

Việt Nam có nền văn hóa lâu đời với các giá trị văn hóa tinh thần cao quý: Đoàn kết, yêu hòa bình, nhân ái, khoan dung,... Khi đất nước gặp ngoại xâm, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ. Hội nghị  Diên Hồng của nhà nước Đại Việt, Đại hội Tân Trào (năm 1945),... là những cuộc họp trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam. Lúc đó, người dân được phát biểu chính kiến của mình trước những người đứng đầu đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, với tâm lý “nể nang, né tránh”, “dĩ hòa vi quý”,… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các cuộc họp thiếu dân chủ và kém hiệu quả. Ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài của “văn hóa họp” như vậy không chỉ không phát huy được trí tuệ tập thể mà còn tạo ra các thói quen đối phó, nặng bệnh hình thức, bệnh thành tích,... “Văn hóa họp” truyền thống này quả thực đang dần lỗi thời trong thời đại kỹ thuật số, thời đại mà con người cần tích cực, chủ động thể hiện bản lĩnh, giá trị bản thân, đóng góp ý kiến cá nhân xây dựng tập thể phát triển.

Muốn nâng cao vẻ đẹp và hiệu quả của văn hóa họp hiện nay, cần thực hiện theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh và theo các quy ước văn minh của thế giới hiện đại. Đó là phương thức tổ chức, điều hành các cuộc họp nhân văn và hiệu quả. Nhân văn vì phát huy được giá trị dân chủ của dân tộc ta và của chung nhân loại, bảo đảm quyền cho người dân được phản biện và tranh luận với lãnh đạo. Hiệu quả vì cuộc họp được tổ chức một cách chu đáo, khoa học, đạt kết quả cao hơn nhiều so với chi phí tổ chức họp.

Hội họp là hình thức sinh hoạt dân chủ để ra quyết định tập thể và làm rõ trách nhiệm cá nhân, là công việc thường xuyên và quan trọng trong công tác điều hành các hoạt động kinh doanh, lĩnh vực giáo dục, chính trị, xã hội. Do vậy, muốn có một “văn hóa họp” hiệu quả thì cơ quan, đơn vị cần xây dựng các quy ước, quy tắc và mọi người phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc những quy ước, quy tắc này.

Phương Trà

Chia sẻ bài viết