Tiếng Việt | English

15/05/2020 - 18:40

Đã có hơn 35 ngàn tỷ tăng lương cho hàng triệu công, viên chức từ 2021

Sáng nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng thu NSNN đạt 1,55 triệu tỷ đồng, vượt 139,77 nghìn tỷ đồng so dự toán, tăng 93,77 nghìn tỷ đồng so báo cáo QH; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 25,7% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 21,1% GDP.

Nợ công ước bằng 54,7%GDP, giảm so với chỉ tiêu

Tổng chi NSNN đạt gần 1,748 triệu tỷ đồng, vượt 114,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 81,2 nghìn tỷ đồng so báo cáo QH.

Theo Bộ trưởng tài chính, tồn tại lớn trong điều hành năm 2019 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN vẫn chậm, cả năm đạt khoảng 70,8% dự toán, còn khoảng 128,96 nghìn tỷ đồng vốn chưa giải ngân phải chuyển nguồn sang năm 2020.


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Đối với nguồn vượt thu và tiết kiệm chi của ngân sách TƯ năm 2019, tổng số là 49,1 nghìn tỷ đồng, gồm 32,2 nghìn tỷ đồng vượt thu (không kể số vượt thu viện trợ) và 16,9 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi trả nợ lãi, Chính phủ đã trình UB Thường vụ QH quyết định bố trí cho các nhiệm vụ.

Cụ thể là dành tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 là 12,88 nghìn tỷ; thưởng vượt thu và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho các địa phương 2,1 nghìn tỷ; thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 20 nghìn tỷ; hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách TƯ và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 14,1 nghìn tỷ đồng.

Đối với nguồn vượt thu của ngân sách địa phương, tổng số là 106 nghìn tỷ đồng, sau khi sử dụng số vượt thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết để bổ sung vốn đầu tư các dự án quan trọng 73,38 nghìn tỷ và dành nguồn cải cách tiền lương năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025 là 22,8 nghìn tỷ, số còn lại được sử dụng theo các nội dung đã quy định trong luật NSNN.

Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ QH có hướng dẫn đề nghị các địa phương ưu tiên dành nguồn tăng thu còn lại này để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp hụt thu so với dự toán QH giao.

Bộ trưởng cho biết, bội chi NSNN năm qua ở mức 202,97 nghìn tỷ đồng, bằng 3,36% GDP thực hiện, giảm 19 nghìn tỷ đồng so dự toán. Trong đó bội chi ngân sách TƯ giảm 6,5 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương giảm 12,5 nghìn tỷ đồng.

Đến hết ngày 31/12/2019, dư nợ công ước bằng 54,7% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,7%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 47% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tương ứng là 65%, 54% và 50% GDP).

Giảm bội chi thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, kết quả thu NSNN năm 2019 cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý còn một số hạn chế như công tác dự báo phục vụ việc lập dự toán còn chưa sát, cơ cấu thu NSNN năm 2019 chưa thật bền vững…

UB Tài chính Ngân sách cho rằng, việc tập trung ưu tiên tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và dành nguồn chi các chính sách cấp bách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ là hợp lý và đúng quy định. UB đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn này và báo cáo QH.


Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Về bội chi, đa số ý kiến trong UB cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, trong khi nhu cầu chi rất lớn và nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh, việc giảm bội chi NSNN năm 2019 đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý, điều hành NSNN.

Về nợ công, UB Tài chính Ngân sách cho rằng đều giảm so với dự toán và so với số đã báo cáo QH. Điều đó cho thấy, tình hình nợ công tiếp tục được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn. Thực tế đã tiết kiệm được khoảng 16,9 nghìn tỷ đồng chi trả lãi vay so với dự toán.

Về tình hình phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, QH quyết định tổng số thu là hơn 1,512 triệu tỷ đồng; tổng số chi là hơn 1,747 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP).

Về tình hình thu, chi 4 tháng năm 2020, ông Dũng cho hay, tổng thu đạt 491,38 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 37% dự toán, tăng 14,9%).

Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh,... tạo sức ép ngày càng lớn đến thu NSNN.

Tổng chi NSNN 4 tháng đầu năm đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2019.

Để đảm bảo nguồn chi trả các khoản nợ gốc đến hạn, trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 43,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 16,33 năm, lãi suất bình quân 3,06%/năm.

Theo Bộ trưởng Tài chính, trong các tháng tới đây, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn./.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết