Tôi đã sống với Đà Lạt vào những năm 60 của thế kỷ XX. Ngày ấy, tôi đâu biết cái xứ sương mờ này đã được Alexandre Yersin khám phá trong một cuộc thám hiểm đầy sinh tử giữa đại ngàn cao nguyên Langbiang hoang sơ và đặt viên gạch xây nền móng cho thành phố tương lai, để rồi ngày nay, nó là Đà Lạt - thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng.
Hoa anh đào trú ngụ khắp cao nguyên, thả từng cành hồng hồng làm duyên cho hồ Xuân Hương - trái tim Đà Lạt
Đà Lạt thuở ban đầu
Tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, số tháng 12-2023 kỷ niệm 130 năm Đà Lạt, đã sưu tầm và công bố một số bức ảnh tư liệu Đà Lạt xưa khá thú vị. Bức “Cuộc thi sắc đẹp người Lạch ở Đà Lạt năm 1925” là hình ảnh những sơn nữ Lạch mặc váy, để ngực trần phô nhiều vòng trang sức. Bức “Nhóm chợ”cũng toàn thiếu nữ, thanh nữ Lạch “bản địa” phục trang y như vậy. Bức “Ngôi nhà nhỏ của Trưởng bản Đăng Kia” là nhà sàn mái lá, lên gác bằng cái thang tre.
Ông Trưởng bản mặc độc cái khố đứng trước nhà, kế bên là 2 bà vợ của ông, một bà mặc áo, một bà mặc độc cái váy, để mình trần. Ảnh “Chợ Đà Lạt- chợ Cây ở khu Hòa Bình” với vài căn nhà bạt, nhà tôn, hàng hóa bày cả ra ngoài trời; người mua kẻ bán đều đội nón lá đứng, ngồi túm tụm. Bức “Trường Petit Lycée năm 1826” khá sơ sài. Trong khi bức “Dinh Thống sứ Nam kỳ năm 1940” chụp toàn cảnh dinh thự đồ sộ, lộng lẫy và bề thế.
Theo Xưa&Nay, năm 1901, Đà Lạt chỉ có một nhúm nhà văn phòng công chánh, phần lớn được xây, gồm: Nhà Khâm sứ Trung kỳ và nhà của Thị trưởng, nhà của đội quân hiến binh và thuế vụ, nhà của sở bưu điện và nhiệm sở của Sở Công chánh; một vài lán trại dành cho quân lính và một khối nhà lớn bằng gỗ được gọi là Sala (tên Khmer, có thể dịch là ngôi nhà chung) sử dụng làm nhiệm sở khách sạn, sau đó bị phá để đào hồ. Toàn cảnh Đà Lạt khi ấy còn ở thế “cô lập” vì chưa có đường giao thông.
Sử liệu cho thấy, người Pháp từng có ý định xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng và doanh trại cho từ 3.000-4.000 binh lính của họ. Chính vì thế, ngay từ khởi thủy, trạm nghỉ dưỡng Đà Lạt đã được cho rằng phải đảm nhiệm cùng một lúc hai thiên hướng tổ chức kép không gian, đó là: Về mặt quân sự: Khâm sứ Trung kỳ Cognacq, tướng Pennequin và tướng Voyon vào năm 1904, đã cho rằng phần lớn quân đội ở Nam kỳ cần được nghỉ dưỡng ở Đà Lạt.
Về mặt dân sự và hành chánh, vào năm 1904, Toàn quyền Paul Beau dự kiến Đà Lạt cũng sẽ trở thành địa điểm nghỉ dưỡng trên cao cho những công chức dân sự của toàn Đông Dương và là thủ đô mùa hè cho phủ Toàn quyền Đông Dương… Khách sạn Palace bên hồ Xuân Hương là một dãy lầu ba tầng như một “điểm nhấn thế lực”của người Pháp về mặt kiến trúc dinh thự.
Tóm lại, từ buổi đầu, các quan chức và chuyên gia Pháp đã vạch ra nhiều phương án quy hoạch, xây dựng TP.Đà Lạt mà phần ưu trội nhất vẫn là dành cho người Pháp khi họ thống trị xứ này. Trên bản đồ sáng lập TP.Đà Lạt, luôn đặt quyền lợi của Pháp lên trên dân thuộc địa. Năm 1910, Đà Lạt phải “sống” trong lay lắt, ngân quỹ thành phố trống rỗng. Những công trường hạ tầng lớn về giao thông được xác nhận là hao tiền tốn của của Chính phủ trung ương (Pháp) đã nhiều lần bị ngưng trệ giữa chừng, trong khi thành phố chỉ mới có khoảng mươi, mười hai căn nhà gỗ và một vài tòa nhà gạch tạo nên trung tâm hành chính. Năm 1913, tình hình mới dễ chịu một chút khi Đà Lạt được sáp nhập vào khu Di Linh.
Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut bày tỏ mong muốn biến Đà Lạt thành một địa điểm nghỉ mát trên cao số một của toàn Đông Dương. Ý tưởng ấy nảy sinh sự ra đời của tuyến đường Phan Thiết-Di Linh-Đà Lạt (hoàn thành năm 1914).
Từ Sài Gòn đi Đà Lạt mất 1 ngày rưỡi trên con đường dài 354km (197km đi tàu hỏa đến ga Ma Lâm (Phan Thiết), 157km đi bằng đường bộ. Còn đi bằng lộ trình qua Phan Rang thì xa hơn: 414km gồm đi tàu hỏa và đường bộ.
Đầu năm 1916, triều đình Huế ra Nghị định thành lập thị tứ Đà Lạt và tỉnh LangBiang (nay là TP. Đà Đạt, tỉnh Lâm Đồng), nhưng hồi đó toàn bộ đều đặt dưới quyền cai trị của Toàn quyền Đông Dương.
“Tuổi 130” nhưng vẫn “tươi trẻ”
130 năm đã trôi qua. Đà Lạt vẫn thấp thoáng hồn cốt cao nguyên LangBiang lộng lẫy sắc màu tươi trẻ ẩn trong lớp sương mờ, từng làm say đắm hồn thơ Hàn Mặc Tử: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ/Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ/ Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để nghe trời giải nghĩa yêu/ Hàng thông thấp thoáng đứng trong im/ Cành lá in như đã lặng chìm/ Hư thực làm sao phân biệt được/ Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm/ Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”.
Trong một trang hồi ký, cố thi sĩ Quách Tấn - bạn tri kỷ của Hàn Mặc Tử kể lại chuyến đi chơi thác Cam Ly của ông cùng Hàn: “Khi về ghé hồ Xuân Hương,… bóng nắng lọt kẽ thông dịu mát như bóng trăng. Tiếng thông reo rì rào như tiếng sóng từ biển xa vọng lại… Từ thác Cam Ly nhìn xuống rừng Ái Ân (Bois d’Amour) như mặt biển lặng gió nồm. Hồ Than Thở (Lac des Soupirs)… mùi hoa mimosa, mùi hoa violet trộn lẫn trong gió ngan ngát mùi nhựa thông… tạo nên cái không gian vô cùng yên tĩnh và cái không gian đầy sương đầy khói đầy trăng đầy sao… Hư thực làm sao phân biệt được!”.
Phải rồi!. Hồ Xuân Hương như hư như thực, có khi mặt hồ đang xanh trong biêng biếc bỗng tan biến vào sương mờ một màu lam khói. Đã bao lần, tôi chạy xe đạp ban sáng mà không phân biệt đâu là mặt đường, đâu là mặt hồ - chỉ tòan khói sương đùn đụn, bảng lảng khắp không gian.
Ngày ấy, tôi ở trọ trên đường Ngô Quyền, rất cao, khiến trường Couvent des Oiseaux như ngất ngưởng trên ngọn đồi. Tôi đi xe đạp đổ dốc xuống Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng,… Ở dưới sâu, đang ráo hoảnh, chỉ một cơn mưa lớn, các con dốc đã biến thành thác đổ ầm ào xuống, các đường thấp biến thành sông. Vậy mà, đường quanh hồ Xuân Hương lại không ngập. Hồ vẫn như viên ngọc bích nằm trong lòng thành phố.
Mấy chục năm xa Đà Lạt, tâm thức tôi vẫn lăn tăn hình ảnh một Đà Lạt ngàn hoa trên nền xanh bóng thông reo. Thông xanh là một phần hồn Đà Lạt, một phần hồn thơ Hàn Mặc Tử: “Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”…
Tôi chắc Đà Lạt không bao giờ đánh đổi sự hiện đại để làm mất cảnh “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt” và “tơ liễu run trong gió” và “nghe trời giải nghĩa yêu” đâu! Ai đó đã nói “hình như cây cỏ bốn phương trời đã chọn Đà Lạt làm nơi hội tụ. Ngay cả hoa anh đào từ xứ Phù Tang cũng tìm về trú ngụ khắp cao nguyên Lâm Viên, thả từng cành hồng hồng tím tím làm duyên cho hồ Xuân Hương là trái tim Đà Lạt. Hoa thạch thảo tím ngắt bung cánh phả hương vào không gian mỗi độ Đà Lạt thu về.
Ai có rảo chân qua những vườn hồng mới thấy Đà Lạt chính là vương quốc của loài hoa thơm dễ gây mùi nhớ đắm say lại được nhiều gai nhọn chở che, bảo vệ. Đà Lạt đã làm hao tốn biết bao giấy bút của văn, thi sĩ và nhạc sĩ”. 130 năm đã trôi qua trên “đời” TP.Đà Lạt. Vậy mà, Đà Lạt vẫn tươi trẻ cho du lịch, nghỉ dưỡng,vẫn đủ sức gợi cảm cho mộng mơ và cảm xúc thi ca./.
Quang Hảo