Tiếng Việt | English

04/12/2020 - 21:04

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II: Hòa vào dòng chảy 54 dân tộc anh em

Đại hội đại biểu Toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, là cơ hội giao lưu của 54 dân tộc anh em.

Đại hội Đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước” chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội.


Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam khai mạc sáng 4.12. Ảnh: Tô Thế.

Các đại biểu đại diện đồng bào dân tộc thiểu các dân tộc về dự Đại hội khẳng định, đây là cơ hội để các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em giao lưu, tăng cường tình đoàn kết. Kỳ vọng thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đề ra các chính sách thiết thực hơn nữa để đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống phát triển.

Cơ hội giao lưu của 54 dân tộc anh em

Trong không khí trang trọng của Đại hội, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, dân tộc Cơ Tu, ở Thừa Thiên Huế  xúc động chia sẻ: Đây là dịp để 54 dân tộc anh em được gặp gỡ, giao lưu. Bản thân chị cũng khoác trên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Tu với niềm tự hào muốn giới thiệu với các đại biểu tham dự đại hội đặc trưng, tinh hoa của dân tộc mình.

“Khi tới với đại hội lần này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc, mang trang phục tới gặp gỡ giao lưu, với 54 dân tộc anh em, mỗi người một bản sắc, điều cảm thấy các dân tộc phong phú, đa dạng, đoàn kết và gần gũi, tạo mình cảm giác như anh em một nhà. Như thời đại hiện nay giao thoa nhiều nèn văn hóa, mình mong muốn trang phục của mình, gìn giữ phát huy nối tiếp đến các thế hệ khác”, chị Thủy bày tỏ.

Còn đối với chị Quách Mỹ Linh, dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình cho rằng: Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Đại hội là niềm cổ vũ, tiếp sức cho các dân tộc tự phát huy nội lực, giá trị riêng có của mình để phát triển cùng cả nước.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

"Trong suốt chặng đường qua Đảng và Nhà nước luôn có chính sách chăm lo quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, tôi nghĩ đại hội này 10 năm mới có một lần. Tôi tâm đắc nhất là chủ đề đại hội “phát huy nội lực các dân tộc thiểu số” bởi mỗi dân tộc sẽ có những đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng, tôi nghĩ rằng nếu phát huy được bản sắc của 54 dân tộc của chúng ta phát huy được nội lực đó thì không chỉ các dân tộc phát triển mà đất nước Việt Nam cũng phát triển", chị Linh cho biết.

Khẳng định Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lương Hùng Đức, dân tộc Hoa, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chính sách dân tộc thời gian qua không có nhiều sự phân biệt các dân tộc nào, nơi nào có khó khăn được nhà nước quan tâm, nơi nào  khó khăn nhiều những chính sách tại địa phương cũng phù hợp với các dân tộc, điều này cũng thể hiện rõ ngay ở chủ đề Đại hội lần này.

“Mặc dù có những vùng miền khác nhau, nhưng địa phương căn cứ những điểm phù hợp sự phát triển giúp đồng bào dân tộc có sự phát triển tốt hơn. Từ chính phủ đến lãnh đạo địa phương tạo mọi điều kiện, chính sách dân tộc là chìa khóa để sau này tạo tiền đề để thế hệ có trinhg độ văn hóa chuyên môn, đòng bào dân tộc được sự giáo dục văn hóa, để đồng bào thoát nghèo. Tôi tin chắc thời gian tới đồng báo dân tộc thiểu số sẽ thoát nghèo. Như vậy giáo dục chỉ là một khía cạnh mà để chúng ta thấy sự bình đẳng tương trợ đồng báo dân tộc như thế nào”, ông Lương Hùng Đức nói.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, dân tộc Dao, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn sau đại hội, Đảng và nhà nước tiếp tục có chính sách thiết thực hơn nữa hỗ trợ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế như: thay đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương để người dân có thể đảm bảo cuộc sống tốt hơn.

Ông K Sung, dân tộc Chu Ru, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Kỳ vọng ở đại hội lần này tiếp tục triển khai tốt chính sách dân tộc và miền núi trong tình hình mới, xây dựng kế hoạch thực hiện tốt đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2021-2030. Đời sống đồng bào dân tộc tuy so với cách đây 10 năm trước phát triển nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tuy nhiên so với đời sống với vùng đồng bằng vẫn còn khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém. Tại các thôn vùng sâu vùng xa cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém như đường giao thông nông thôn, nội đồng điện lưới quốc gia nhưng lượng điện chưa đáp wnhs nhu cầu ở vùng sâu vùng xa.

Đừng để tiếng nói dân tộc bị mai một

Thực trạng mai một tiếng nói của dân tộc là vấn đề chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nó cũng là vấn đề các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 mong muốn nói lên nhằm cùng nhau tìm ra những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Đến với Đại hội, Đại biểu Vàng A Tớ, dân tộc Mông Xanh, Bí thư xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Là xã đặc biệt khó khăn, Nậm Xé là địa bàn duy nhất của cả nước là nơi cư trú của dân tộc Mông Xanh. Đến với Đại hội, Đại biểu Vàng A Tớ mong muốn nói lên những vấn đề dân tộc mình đang đối diện như: tình trạng mai một tiếng nói của người Mông Xanh, tình trạng môi trường bản làng xuống cấp do khai thác vàng trái phép.

“Theo tôi nghĩ trong tương lai dần dần sẽ có một sự phai nhạt về tiếng nói, ví dụ như người ta sẽ nói ngọng đi chẳng hạn, hoặc là có những cháu khi bố mẹ thường xuyên sử dụng bằng tiếng kinh, hoặc người ta không sinh sống ở cộng đồng Mông Xanh nữa, họ di chuyển đi ở nơi khác rất có khả năng sẽ phai mờ đi tiếng nói và người ta sẽ không biết được tiếng dân tộc mình. Cũng rất đáng lo ngại cho cái việc bảo tồn tiếng nói của dân tộc Mông Xanh”, anh Vàng A Tớ nói.

Đại biểu Lường Thị Hiền, dân tộc Thái, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ về tình trạng mai một tiếng nói, chữ viết và nhiều nét văn hóa của dân tộc mình, đại biểu Hoàng Kim Tuế, Nghệ sỹ ưu tú, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện ngay tại thành phố Cao Bằng, quê hương của các làn điệu then, đàn tính quyến rũ thì đến thế hệ các cháu, nhiều em cũng không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình.

“Đến lượt con tôi thì đối với tiếng dân tộc đã quá mai một rồi, không biết nói nhiều nữa, chỉ biết nghe thôi, thế và có những suy nghĩ rất là đáng buồn về tiếng nói của cha mẹ”, ông Hoàng Kim Tuế nói.

Còn đại biểu Triệu Thị Thu Phương, dân tộc Dao, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Cạn chia sẻ: Về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết như bản thân tôi là người đồng bào dân tộc Dao thì đúng là với thế hệ trẻ bây giờ cũng đã có rất nhiều bạn trẻ bây giờ không giữ được tiếng nói và cả trang phục truyền thống thì đã dần bị mai một”.

Thực trạng mai một tiếng nói của dân tộc là vấn đề chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nó cũng là vấn đề các đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 mong muốn nói lên nhằm cùng nhau tìm ra những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Tiếng nói mất đi thì văn hóa sẽ mất. Văn hóa mất thì dân tộc đó cũng mất đi cái hồn cốt của mình. Vì vậy, bảo tồn tiếng nói cũng là bảo tồn văn hóa dân tộc.

Theo đại biểu Lường Thị Hiền, dân tộc Thái, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Vân Hồ, tỉnh Sơn La điều quan trọng nhất để giữ lại tiếng nói của dân tộc mình thì bản thân người trẻ phải được tiếp xúc ngôn ngữ dân tộc thường xuyên, liên tục. Qua đó, sẽ giúp trẻ nảy sinh tình yêu, niềm tự hào với ngôn ngữ cha ông để lại.


1593 đại biểu ưu tú đại diện cho nhân dân các dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước dự đại hội. Ảnh: TTXVN

 “Đại hội ngày hôm nay, cái kiến nghị đề xuất mong muốn là tiếp tục quan tâm để làm sao mà giữ gìn được những bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc. Để làm sao mà các con tiếp xúc được và tiếp cận được để các con biết rằng, à dân tộc mình có những cái văn hóa hay như thế và có những tiếng nói hay như thế, trước đến giờ mình chỉ chăm học tiếng Anh, tiếng xuôi thôi thì bây giờ các cháu sẽ học thêm cả cái văn hóa của dân tộc mình”, bà Hiền cho biết.

Theo đại biểu Lăng Văn Hà, dân tộc Dao, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, với những cộng đồng đồng bào DTTS tại Ba Vì, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc là rõ nét.

Để bảo tồn vốn ngôn ngữ dân tộc mình, Đại biểu Lăng Văn Hà nêu quan điểm: “Trước hết phải giữ gìn được bản sắc, với đồng bào DT Dao của chúng tôi, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội thì các trẻ em hiện nay còn bé thì chúng tôi đề đưa giáo dục ngôn ngữ từ người dân, từ cộng đồng”.

Theo đại biểu Rơ Com Sa Duyên, dân tộc Jrai, Phó Giám đốc Sở lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai, việc để mất tiếng mẹ đẻ ở những người trẻ, trách nhiệm lớn nhất là ở bậc làm cha, làm mẹ. Với những gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống ngoài không gian truyền thống làng, bản, cha mẹ đóng vai trò quyết định thế hệ tiếp theo có giữ được ngôn ngữ dân tộc mình hay không. Vì vậy, ngoài giao tiếp xã hội nhưng khi về đến nhà, các bậc cha, mẹ nên nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc mình.

“Giữ gìn văn hóa đấy thì trước hết chúng ta cũng nên đưa tiếng của từng dân tộc, vùng miền vào dạy song ngữ để chúng ta duy trì về tiếng và giữ gìn bản sắc về tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc”, đại biểu Rơ Com Sa Duyên bày tỏ.

Chiều nay, đại hội tiếp tục thảo luận và thông qua quyết tâm thư của Đại hội. Cuối giờ chiều, Ban tổ chức Đại hội sẽ tổ chức Họp báo công bố kết quả Đại hội./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết