Các vị đại biểu tiến hành nghi thức tắm Phật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 22/5, tức Rằm tháng Tư Âm lịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Dự lễ có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và một số đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội, các chư tôn đức Giáo hội cùng đông đảo Phật tử.
Tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết Đại lễ Phật đản, hay ngày Tam hợp - Kỷ niệm Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết bàn, là dịp để cùng ôn lại cuộc đời cao thượng, những lời dạy vô ngã vị tha, đầy thương yêu và trí tuệ, không chỉ là nguồn an ủi mà còn hiến tặng giải pháp thiết thực chuyển hóa nỗi khổ đau cá nhân, kiến tạo môi trường an lạc cho tất cả mọi người.
Các vị đại biểu, các chư tôn đức Giáo hội cùng đông đảo Phật tử tham dự buổi lễ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ cũng kêu gọi tăng, ni, Phật tử cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan; tinh tấn tu tập, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sinh, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ.
Trong diễn văn Phật đản, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tới toàn thể chư tôn đức tăng, ni cùng Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại an lạc.
Các Phật tử niệm Phật, đọc Sám Khánh Đản. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Theo Hòa thượng, Phật đản Phật lịch 2568-Dương lịch 2024 năm nay diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cách đây 70 năm về trước (07/5/1954-07/5/2024).
Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với các thế hệ chư tăng tham gia phong trào cởi áo cà sa, khoác chiến bào năm 1947.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng lưu ý tăng, ni phải đề cao trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, và làm tròn bổn phận của mình. Các cấp Giáo hội tập trung tổ chức tốt kỳ an cư kết hạ Phật lịch 2568, nêu cao tính kỷ cương, trách nhiệm, hành trì giới luật để trang nghiêm Giáo hội.
Tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện đổi mới sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội thông qua việc tổ chức các khóa tu mùa Hè cho thanh, thiếu niên Phật tử Hè 2024, giúp cho các bạn trẻ trở thành những con ngoan, trò giỏi, học tập tiến bộ.
Đông đảo Phật tử tham dự buổi lễ tại Chùa Quán Sứ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nói về ý nghĩa của Phật đản Phật lịch 2568, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng năm nay ghi dấu sự phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng của Phật giáo cùng đất nước.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định Giáo hội đồng lòng quán triệt Điều 10, Nghị quyết Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Tăng ni, cư sỹ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tinh tiến tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật; luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: Kỷ cương-Trách nhiệm-Đoàn kết-Phát triển để chung sức, chung lòng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.”
Trong không khí Phật đản thiêng liêng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị: “Dù xuất gia hay tại gia, mỗi người đệ tử Phật hãy nỗ lực tham gia cùng Giáo hội, củng cố và xây dựng tăng đoàn, khuyến thiện, hành thiện, rèn luyện trí tuệ, ứng dụng nhuần nhuyễn giáo pháp vào đời sống thường nhật; chuyển tải thông điệp hoà bình và an lạc; góp phần xây dựng quốc gia phồn thịnh, thế giới thanh bình, nhân dân an lạc”./.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được sinh ra vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 Âm lịch (theo lý giải của phái Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nay là Nepal.
Nghi lễ tắm Phật có nguồn gốc từ sự kiện Đức Phật đản sinh. Phật sử ghi lại rằng, khi hoàng hậu Mada đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hàng ngày.
Theo truyền thống, đầu tiên, ta dội một gáo nước từ vai trái tôn tượng Đức Phật xuống, sau đó là vai phải, cuối cùng là dội vào trước ngực hoặc sau lưng. Điều này tượng trưng cho tam thế của Đức Phật – quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng có thể coi như là gột rửa ba nghiệp – thân, khẩu, ý của mình (nghiệp tạo ra từ hành động, lời nói và ý nghĩ).
|
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dai-le-phat-dan-nam-2024-thap-sang-the-gian-bang-anh-sang-tu-bi-va-tri-tue-post954802.vnp