Tiếng Việt | English

27/04/2019 - 11:10

Đại tướng Lê Đức Anh trong ký ức chuyên gia quân sự tại Campuchia

Theo Đại tá Hoàng Thương, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng "điềm tĩnh, rất quý mến và thương yêu anh em".

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng ta vĩnh biệt vị tướng chỉ huy cuối cùng còn lại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Đại tướng Lê Đức Anh. Đau buồn và thương tiếc là cảm xúc chung của nhiều người, nhưng sâu đậm nhất vẫn là những người từng là đồng đội- đồng chí- cấp dưới của ông. Trong câu chuyện của Đại tá Hoàng Thương, nguyên là chuyên gia Quân sự- Đoàn chuyên gia Quân sự 478 tại chiến trường Campuchia 1981-1989, chúng tôi thấy rõ điều đó.

Đại tướng Lê Đức Anh (bên trên) là một vị tướng rất gần gũi với chiến sĩ. (Ảnh tư liệu)
Buổi trưa tháng Tư ở TPHCM, Đại tá Hoàng Thương đã 92 tuổi vẫn minh mẫn và mạch lạc nhớ lại những dấu ấn trong nhiều năm làm việc dưới quyền của Đại tướng Lê Đức Anh- khi đó là Tư lệnh bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Trong câu chuyện, ông nhắc đi nhắc lại, là một vị tướng trận nhưng Đại tướng Lê Đức Anh gần như chưa bao giờ nóng nảy, nặng lời với cấp dưới, mà luôn lắng nghe, điềm tĩnh, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, chu đáo.

Khi Đại tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, có 3 câu chuyện nhỏ mà Đại tá Hoàng Thương chứng kiến và suốt đời không bao giờ quên, coi là điều cần học tập. Đó là chuyện khi Đại tướng Lê Đức Anh thấy một đơn vị quân đội của Campuchia quá khó khăn trong đưa thi hài tử sỹ từ chiến trường ra, ông đã xuống xe hỏi cặn kẽ, rồi gọi điện can thiệp để thay đổi tình hình.

Đó là chuyện Đại tướng vào thăm bộ đội Việt Nam tại một bệnh xá của Sư 330 ở tỉnh Battambang, Campuchia bị sốt rét hàng loạt mà không có thuốc, phải cột chặt tay để chống lại những cơn sốt run người. Đại tướng đã gọi điện, làm mọi cách để có thuốc cho anh em, để mở đường xuyên rừng đưa thương binh về hậu phương chữa trị. Đó là câu chuyện Đại tướng xử lý hai nguồn thông tin khác nhau giữa báo cáo của ông Hoàng Thương và báo cáo của đồng chí Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng), cùng xuống kiểm tra một địa bàn. Đại tướng làm việc khoa học, giải quyết công việc nhanh và hiệu quả, luôn lắng nghe.

Đại tá Hoàng Thương kể những câu chuyện về Đại tướng Lê Đức Anh
Đại tá Hoàng Thương kể: "Khi nghe báo cáo cấp dưới, Đại tướng rất nhạy cảm, phân biệt và ngồi ghi luôn, ghi hai tờ giấy, một tờ ghi những việc cần giải quyết và một tờ ghi chưa cần. Đại tướng giải quyết ngay chứ không để tình trạng kéo dài. Có một lần, tôi và anh Lê Khả Phiêu đi xuống một đơn vị ở Busat của Campuchia kiểm tra quân tình nguyện và cả quân đội Campuchia. Về tôi làm báo cáo và anh Phiêu cũng làm báo cáo, sau đó lên gặp anh Lê Đức Anh trình bày. Tôi báo cáo xong thì anh Lê Khả Phiêu phản đối, tôi với anh Phiêu cãi nhau thì anh Lê Đức Anh đứng dậy nói: Thôi thôi hai cậu bình tĩnh, tôi nghe ý kiến cả hai anh, ghi hết để đây và nghiên cứu."

Đại tá Hoàng Thương cũng như nhiều cựu binh khác từng chiến đấu, làm việc dưới sự chỉ huy của Đại tướng Lê Đức Anh, ngay cả sau khi đất nước đã hòa bình, nay đều đã tuổi cao sức yếu. Nhưng cái tình của Đại tướng dành cho mọi người, cho cấp dưới thì không ai quên được. Đại tá Hoàng Thương xúc động: "Một vị tướng, một vụ chỉ huy rất chu đáo và không phải chỉ chu đáo cái lớn mà việc nhỏ cũng rất quan tâm. Đặc biệt, anh Lê Đức Anh rất đức độ, rất thương cấp dưới. Chúng tôi nói chung, quân tình nguyện cũng như chuyên gia rất quý mến anh. Nghe tin anh mất, chúng tôi xót xa, mất một vị tướng điềm đạm, bình tĩnh trước các tình huống, rất quý mến và thương yêu anh em".

Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một tướng trận tài ba. Ông có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng: tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979- 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989). Ông trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975…Những cứ liệu lịch sử ấy và những ấn tượng về Đại tướng qua lời kể của đồng đội của ông mãi là niềm xúc động khôn nguôi./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết