Tiếng Việt | English

09/09/2022 - 08:24

Đảng ban hành nhiều quy định về xử lý đối với cán bộ bị kỷ luật

Việc Bộ Chính trị ban hành các quy định, thông báo về chủ trương, nguyên tắc, quy trình xử lý đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật có ý nghĩa rất lớn, mang tính răn đe đối với tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định, kết luận, thông báo liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có các văn bản quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xử lý đối với cán bộ bị kỷ luật.

Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức

Ngày 8/9/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Theo đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng: Cụ thể, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng. 

Trong trường hợp cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau: Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm, với cán bộ là Uỷ viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Còn cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như trên.

Thông báo cũng nêu rõ, cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật: Không bổ nhiệm, điều động

Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Một trong những điểm đáng chú ý là điều 16 Quy định 80 nêu rõ 4 nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó quy định không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Trong khi đó, điều 18 nêu rõ 7 tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn, trong đó, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.


Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tháng 10/2021.

Cán bộ đang trong thời hạn thi hành kỷ luật: Xem xét, cân nhắc việc bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử

Đối với nguyên tắc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, Quy định 80 chỉ rõ: Đối với cán bộ đang trong thời hạn thi hành kỷ luật mà không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, thảo luận dân chủ, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt về phẩm chất, năng lực, uy tín; nguyên nhân, động cơ vi phạm, khuyết điểm và tính chất, mức độ ảnh hưởng, tác động, kết quả khắc phục hậu quả (nếu có),... xem xét, cân nhắc việc bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử.

Liên quan đến các bước xử lý tiếp theo sau khi cán bộ bị kỷ luật, vào tháng 11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đáng chú ý, tại Điều 5 nêu rõ 6 trường hợp xem xét miễn nhiệm, trong đó có trường hợp cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

Có thể thấy, việc Bộ Chính trị ban hành các quy định, thông báo về nguyên tắc, quy trình xử lý đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật Đảng có ý nghĩa rất lớn, mang tính răn đe đối với tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền.

Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ./.

Trí Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết