Tiếng Việt | English

11/10/2020 - 15:06

Đảng bộ Long An qua các mốc son Đại hội

Đại hội I

Tiến hành vòng một từ ngày 11/11/1976 đến 20/11/1976; vòng hai từ ngày 12/4/1977 đến 23/4/1977, tại Rạp hát Tân An.

Đại hội có 296 đại biểu, đại diện 6.092 đảng viên toàn tỉnh về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Khắc phục hậu quả nặng nề của 2 cuộc kháng chiến, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 ủy viên (có 4 ủy viên dự khuyết (UVDK)). Đồng chí Nguyễn Văn Mới được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy; từ Đại hội vòng hai, đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) được Trung ương điều về bầu bổ sung làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội II

Tiến hành từ ngày 10/1/1980 đến 16/1/1980, tại Hội trường Thống Nhất.

Đại hội có 331 đại biểu, đại diện hơn 7.000 đảng viên của tỉnh về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Tập trung sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến thắng thiên tai, địch họa. Bước đầu vạch hướng chiến lược “Tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 41 ủy viên (có 4 UVDK). Đồng chí Nguyễn Văn Chính được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội III

Tiến hành từ ngày 24/5/1983 đến 31/5/1983 tại Hội trường Thống Nhất.

Đại hội có 422 đại biểu, đại diện 7.632 đảng viên về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Xóa cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, đẩy mạnh cải tiến phân phối lưu thông; tiến quân khai phá mạnh mẽ vùng Đồng Tháp Mười, giải quyết căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 40 ủy viên chính thức và 4 UVDK. Đồng chí Nguyễn Văn Chính tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội IV

Tiến hành từ ngày 26/10/1986 đến 1/11/1986.

Đại hội có 457 đại biểu đại diện hơn 10.000 đảng viên toàn tỉnh về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Cùng cả nước đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 ủy viên chính thức và 12 UVDK. Đồng chí Lê Văn Kiến được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đến tháng 11/1989, đồng chí Nguyễn Văn Chiểu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy (thay đồng chí Lê Văn Kiến về Trung ương nhận công tác khác).

Đại hội V

Tiến hành vòng 1 từ ngày 24/4/1991 đến ngày 25/4/1991; vòng 2 từ 24/1/1992 đến 26/1/1992.

Đại hội có 299 đại biểu đại diện cho hơn 13.000 đảng viên về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Trí tuệ-Đổi mới-Dân chủ-Kỷ cương-Đoàn kết. Tạo đà, lực mới để bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội đã bầu 43 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chiểu được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Đến tháng 8/1993, đồng chí Phạm Thanh Phong được cử làm Bí thư Tỉnh ủy (thay đồng chí Nguyễn Văn Chiểu về Trung ương nhận công tác mới).

Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An giữa nhiệm kỳ, từ ngày 22 đến 24/3/1992, có 150 đại biểu về dự (trong đó có 110 đại biểu được bầu từ cơ sở) đã bầu bổ sung 8 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V.

Đại hội VI

Đại hội tiến hành từ ngày 7/5/1996 đến 10/5/1996.

Đại hội có 346 đại biểu đại diện cho hơn 13.700 đảng viên toàn tỉnh (thuộc 14 Đảng bộ huyện, thị xã và 7 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy) về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Long An ngày càng giàu mạnh.

Đại hội bầu 47 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và bầu 13 đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc. Đồng chí Phạm Thanh Phong tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đến tháng 8/1998, đồng chí Phạm Thanh Phong về Trung ương nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Thanh Tâm được bổ nhiệm Quyền Bí thư Tỉnh ủy. Đến tháng 2/1999, đồng chí Lê Thanh Tâm được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội VII

Tiến hành từ ngày 10/1 đến 13/1/2001 tại Hội trường Thống Nhất tỉnh.

Đại hội có 350 đại biểu đại diện cho 17.469 đảng viên toàn tỉnh về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: 4 chương trình trọng điểm:

- Chương trình dân sinh vùng lũ lụt;

- Chương trình xây dựng vùng kinh tế trọng điểm;

- Chương trình giải quyết việc làm, xóa đói-giảm nghèo;

- Chương trình phát huy nguồn nhân lực.

Đại hội bầu 47 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và bầu 12 đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc. Đồng chí Lê Thanh Tâm tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội VIII

Tiến hành từ ngày 15/12 đến 17/12/2005 tại Hội trường Thống Nhất. Đại hội có 299 đại biểu đại diện cho hơn 22.000 đảng viên trong tỉnh về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Tiếp tục thực hiện 4 chương trình trọng điểm:

- Chương trình dân sinh vùng lũ lụt;

- Chương trình phát huy mọi nguồn lực đầu tư vùng kinh tế trọng điểm;

- Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực;

- Chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Đại hội đã bầu 49 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và bầu 12 đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc. Ban Chấp hành đã bầu 13 ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Trương Văn Tiếp được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội IX

Tiến hành từ ngày 18/10/2010 đến 20/10/2010, tại Hội trường Thống Nhất. Đại hội có 350 đại biểu, đại diện cho 30.350 đảng viên về dự.

Định hướng mục tiêu của Đại hội: Phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự-an toàn xã hội; tạo tiền đề vững chắc để Long An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Các chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015:

+ Chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm-giảm nghèo.

+ Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới.

+ Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp.

+ Chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững.
Các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ Đại hội:

+ Hoàn thành xây dựng các công trình giao thông: Đường Long Hậu - Tân Tập, đường Thủ Thừa - Bình Thành và đường N1 - QL62 - kênh 79 - biên giới Campuchia.

+ Hoàn thành xây dựng Nhà Thiếu nhi Long An.

+ Hoàn thành xây dựng Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ.

+ Hoàn thành xây dựng Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (Đức Huệ).

+ Hoàn thành xây dựng Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Tâm thần.

+ Hoàn thành xây dựng Trường THPT Chuyên của tỉnh.

Đại hội đã bầu 53 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và bầu 17 đồng chí (2 dự khuyết) dự Đại hội Đảng toàn quốc. Ban Chấp hành khóa mới đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Mai Văn Chính được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Đến tháng 1-2015, đồng chí Mai Văn Chính nhận nhiệm vụ mới ở Trung ương. Đồng chí Nguyễn Nam Việt được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tháng 3-2015.

Đại hội X

Diễn ra từ ngày 13/10/2015 đến 16/10/2015, tại Hội trường Thống Nhất.

Đại hội có 348 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 39.000 đảng viên toàn tỉnh về dự.

Mục tiêu tổng quát đại hội: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nền tảng đưa Long An phát triển nhanh, bền vững.

Các chương trình đột phá nhiệm kỳ 2015-2020:

- Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các công trình trọng điểm:

- Đường tỉnh 830 (Đức Hòa-Tân Tập).

- Đường Vành đai thành phố Tân An.

- Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Đại hội đã bầu 54 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, 14 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 11 đồng chí trong Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; 16 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội XII của Đảng. Đồng chí Phạm Văn Rạnh được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội XI

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 13/10/2020 - 16/10/2020, tại Hội trường Thống Nhất. Đại hội có 350 đại biểu chính thức, đại diện cho 47.611 đảng viên toàn tỉnh về dự.

KHẨU HIỆU HÀNH ĐỘNG: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Năng động - Phát triển

MỤC TIÊU TỔNG QUÁT ĐẠI HỘI: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các chỉ tiêu chủ yếu (17 chỉ tiêu):

a) Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt 9,2-10%.

- Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đến năm 2025 lần lượt chiếm 10%, 60,5%, 29,5% trong cơ cấu GRDP.

- Sản lượng lúa bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 2.500.000 - 2.600.000 tấn/năm; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 70-75% tổng sản lượng.

- GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115-120 triệu đồng.

- Tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%.

- Tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân 12%/năm; phấn đấu tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển hằng năm trong tổng chi ngân sách.

b) Về xã hội:

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí văn hóa, nông thôn mới đến năm 2025 đạt 88%; đến năm 2025 phấn đấu có 10/15 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (trong đó có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đến năm 2025 đạt 60%.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95%.

- Số bác sĩ/vạn dân đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2025 dưới 18%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%.

- Giảm 50% số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới so với đầu nhiệm kỳ.

c) Về môi trường

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt 65% trở lên.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.

d) Xây dựng Đảng

- Phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 6.300 đảng viên.

- Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt 90%.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐỘT PHÁ:

- Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp
của tỉnh.

CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM:

- Hoàn thiện Đường Vành đai thành phố Tân An.

- Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830).

- Đường tỉnh 827E (đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông).

(Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025).

Chia sẻ bài viết