Tiếng Việt | English

10/11/2023 - 09:26

Đề nghị cân nhắc, giữ nguyên mô hình Tòa án bốn cấp hiện nay  

Chiều ngày 09/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tổ chức phiên thảo luận Tổ về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tham gia góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An thống nhất với dự thảo luật. Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, giữ nguyên mô hình Tòa án nhân dân (TAND) bốn cấp hiện nay.

Đại biểu Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu tại buổi thảo luận

Theo đại biểu Lê Thị Song An nêu, qua thực tiễn nhận thấy mô hình Tòa án bốn cấp hiện nay phát huy hiệu quả rất tốt, vừa đảm bảo tính độc lập trong xét xử, đồng thời chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm và tương ứng với mô hình của các cơ quan tiến hành tố tụng vừa không gây tốn kém lãng phí ngân sách Nhà nước. Chúng ta chỉ cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Về vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân, tại khoản 2, đại biểu đề nghị xem xét, rà soát cụm từ “góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc”, là chưa phù hợp với chức năng của cơ quan Tòa án, thiết nghĩ không quy định chức năng này đối với TAND, vì theo khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc lại quy định tại Khoản 2, 3 Điều 11 dự thảo Luật, nên chăng giữ nguyên như quy định tại Điều 9 của Luật Tòa án hiện hành, nhằm đảm bảo nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Việc quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là một những bước tiến mới của hệ thống Tòa án. Nhưng để thực hiện cần phải có lộ trình, vì TAND phải đề cao tính phục vụ Nhân dân nếu quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để người dân thu thập chứng cứ sẽ gây bất lợi trong quá trình xét xử và ảnh hưởng đến quyền và lợi hợp pháp của người dân.

Chính vì vậy, đại biểu Song An đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng nhóm người dân yếu thế là gồm những thành phần nào để có giải pháp hỗ trợ người dân trong quá trình thu thập chứng cứ một các hiệu quả, vì trên thực tế việc để người dân tự thu thập chứng cứ là rất khó khăn và không phải ai cũng có khả năng này, nhất là việc cơ quan chức năng gây khó khăn, cản trở trong quá trình thu thập chứng cứ của người dân.

Đồng thời, tại Chương VIII dự thảo Luật về bảo đảm hoạt động của TAND trong đó có các điều, khoản mới quy định về chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, trang phục, giấy chứng minh Thẩm phán, giấy chứng nhận chức danh tư pháp, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất của tòa án, xây dựng tòa án điện tử,... Đây là những vấn đề liên quan đến ngân sách và đầu tư công. Do đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung cụ thể các điều, khoản, điểm có liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019 mà Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chịu sự tác động theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các điều, khoản, điểm có liên quan.

Đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu tại buổi thảo luận

Cùng tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An thống nhất quy định về bổ sung thẩm quyền giải quyết, xét xử vi phạm hành chính, về thành lập TAND chuyên biệt, về ngạch, bậc Thẩm phán TAND, nhưng đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát thẩm quyền thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt, đối chiếu với các quy định để đảm bảo phù hợp, phát huy vai trò của TAND chuyên biệt.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn băn khoăn về quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; về ngạch, bậc của Thẩm phán TAND quy định tại Điều 91 dự thảo Luật.

Trước đó, tại Nhà Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)./.

 ND

Chia sẻ bài viết