Trong Vui buồn cùng tiếng Việt, dịch giả Bùi Việt Bắc đã phát hiện “những từ sai mới xuất hiện trong tiếng Việt cũng như từ có sẵn từ trước nay bị hiểu sai” trong những bài báo, tin tức đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2021.
Dịch giả Bùi Việt Bắc
NGỌC AN
Hiểu đúng về từ “kiều nữ”
Dịch giả Bùi Việt Bắc lấy ví dụ về một trong những từ được dùng chưa chuẩn là “kiều nữ”. Có nhiều tiêu đề bài báo được giật kiểu như kiều nữ sạch, kiều nữ vũ trường, hay kiều nữ với siêu xe. Ông Bắc cho rằng ở những ví dụ này, các “hotgirl”, người mẫu được gọi là “kiều nữ”, và từ “kiều nữ” được đánh đồng với từ “mỹ nữ”.
Theo dịch giả Bùi Việt Bắc, từ “kiều nữ” thực ra đã được dùng từ lâu trong tiếng Việt, nhưng ý nghĩa lại không hẳn như người ta vẫn hay dùng. “Trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, mục từ này được định nghĩa là mỏng mảnh, dễ thương. Như vậy, kiều nữ không thật phù hợp trong các ví dụ trên”, ông Bắc nêu.
Một từ, theo ông Bắc, hiện nay thường bị dùng sai là “kình ngư”. Từ này hay được nhiều người dùng để ví với người bơi giỏi, trong khi “thực ra kình ngư chỉ đơn giản có nghĩa là con cá voi”, ông Bắc diễn giải và thấy khó hiểu rằng chưa có thông tin nào nói về việc cá voi là loài cá bơi nhanh nhất, trong khi lại thường được gắn với vận động viên bơi lội nổi tiếng như Ánh Viên. “Cô Ánh Viên chắc cũng chẳng thú vị gì nếu mình được ví với con cá voi!”, ông Bắc bày tỏ.
Nhiều từ Hán - Việt đã bị sử dụng không đúng như từ “xúc tu”. Tự nó có nghĩa là cái râu cảm giác, thí dụ như râu của chuột, mèo, côn trùng, cá trê,… Theo ông Bắc, do sai lầm của những dịch giả dịch cứ thấy từ “tentacle” là dịch thành xúc tu mà hậu quả là ngày nay mọi người đều dịch hoặc viết cái vòi con bạch tuộc là xúc tu, mặc dù lẽ ra phải gọi là cái vòi hoặc cái tay cuốn chứ không thể gọi là sợi râu.
Ông Bắc nhìn nhận: “Từ cái sai khi dịch về cái vòi của con bạch tuộc tiến tới cái sai to hơn là dùng từ xúc tu với nghĩa cái vòi lan ra khắp thế giới, chẳng hạn như câu: Các xúc tu kinh doanh của công ty này đã vươn khắp thế giới. Công ty kinh doanh thì sao dùng từ xúc tu được”.
Một ví dụ thường sử dụng sai từ Hán - Việt khác mà ông Bắc đưa ra là việc dùng từ “chính kiến”. Nghĩa của từ này là quan điểm chính trị. “Đó là những quan điểm lớn về chính trị, ý thức hệ”, ông Bắc diễn giải. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lại hiểu và dùng từ chính kiến là ý kiến một vấn đề nào đó không liên quan đến chính trị, hay tưởng “chính” là chủ yếu.
Dịch giả Bùi Việt Bắc cũng nhắc đến trường hợp sử dụng cụm từ “người đương thời”. Trong khi cụm từ này thường được dùng và hiểu với nghĩa nói về những con người đang sống ở thời hiện tại thì nghĩa đúng của từ “đương thời” trong tiếng Việt là thời ấy, nói về quá khứ. Cùng với cụm từ “người đương thời’, theo ông Bắc, các từ và thuật ngữ như “vi tính”, “đa dạng sinh học”, “khoa học viễn tưởng”,… bị dùng sai hoặc chưa chuẩn, các từ như “ốc đảo”, “phi vụ”, “vị tha”, “quý tộc”, “đặc vụ”,… gần đây đã bị hiểu sai nghĩa.
Bìa cuốn Vui buồn cùng tiếng Việt
Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt
Dịch giả Bùi Việt Bắc bày tỏ, ông viết cuốn sách không phải để phê phán riêng ai mà để mọi người cùng “tránh dùng từ sai, tránh hậu quả phá hỏng tiếng Việt, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”. Về những từ mới xuất hiện trong tiếng Việt, ông Bắc nêu quan điểm: “Hiện tượng mọc ra một số từ mới hoặc ý nghĩa của một số từ dần dần chuyển dịch không chỉ xảy ra trong tiếng Việt mà là tình trạng chung của các ngôn ngữ.
Tuy nhiên, thay đổi theo hướng tốt lên hay xấu đi và mức độ thì khác”, quan trọng là cần có lực lượng là những người làm từ điển, nghiên cứu, giảng dạy, chịu trách nhiệm giáo dục, truyền bá kiến thức “phát hiện và sửa chữa các từ sai cũng như những khuynh hướng không lành mạnh trong thực hành ngôn ngữ”.
Trong cuốn sách Vui buồn cùng tiếng Việt, ông Bắc chia thành nhiều mục khác nhau. Cùng với việc nêu ra những hiểu lầm khi sử dụng tiếng Việt, hiện tượng thêm chữ, bớt chữ trong nói và viết tiếng Việt hiện nay, tìm lại những từ tiếng Việt bị thất truyền, cách dùng đúng sai từ Hán - Việt, sử dụng phương ngữ,l… PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học VN, cho rằng đóng góp của tác giả Bùi Việt Bắc là đã đi sâu vào mổ xẻ một loạt từ mà tác giả đã “quan sát, chiêm nghiệm và nhận diện” trong suốt 1/3 thế kỷ. “Ông phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại của những từ tưởng như đã rất quen (tới mức gần như “đóng đinh”) trong sách báo tiếng Việt (như bà đầm thép, khoa học viễn tưởng, nàng tiên cá, ngài, ốc đảo, vườn quốc gia, xúc tu...).
Ông lên tiếng nhắc nhở về những từ ngữ cũ tiếng Việt “bị thất truyền” nay nên dùng lại thế nào cho phải khi dịch (công chúa, công nương, hoàng tử,... ông Tình đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Tình cũng cho rằng không phải tất cả những trường hợp từ ngữ mà tác giả đưa ra đều “chuẩn không cần chỉnh”. “Đấy chỉ là một ý kiến, một suy nghĩ theo cách diễn giải riêng. Bạn đọc có thể đồng tình hay không đồng tình, thậm chí phản bác. Đó cũng là điều bình thường. Bởi kéo người đọc vào vấn đề đang quan tâm, cùng suy nghĩ trao đổi là đích cần hướng tới của cuốn sách”, ông Tình bày tỏ./.
Theo Thanh Niên