Chiều 29/11, khi ca nhiễm Covid-19 thứ 1.342 được công bố, không ít người hoang mang. Đến chiều ngày 30/11, ca nhiễm thứ 1.347 tiếp tục được công bố, đưa nước ta đứng trước làn sóng dịch mới. Trước đó, sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân 1.342 được về cách ly tại nhà trọ (quận Tân Bình, TP.HCM). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm mẹ và 2 người bạn, trong đó, người bạn nam (bệnh nhân 1.347 đến sống cùng).
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm thứ 1.347, theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu có 38 trường hợp tiếp xúc gần (F1) (đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm); 154 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Ngành Y tế TP.HCM tiếp tục khẩn trương truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan ca bệnh.
Sau gần 3 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng và thiết lập trạng thái “bình thường mới” thì đến nay, dịch bệnh tái phát mà nguyên nhân một phần do sự lơ là, chủ quan của người dân trong phòng, chống dịch. Rõ ràng, bệnh nhân 1.342 đang trong quá trình cách ly nhưng vẫn tiếp xúc, thậm chí sống cùng với người thân, khiến vi-rút SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ở những giai đoạn trước đó, chúng ta đạt những kết quả khả quan, được thế giới ghi nhận. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Việt Nam đã thực hiện những việc chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận ở giai đoạn 1. Sang giai đoạn 2, giai đoạn 3, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, nhưng một lần nữa, cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc chống dịch, nhanh chóng khoanh vùng, khống chế các ổ dịch, truy vết, cách ly kịp thời những trường hợp F1, F2.
Bài học từ công tác phòng, chống dịch ở các nước và từ ổ dịch Đà Nẵng không cho phép chúng ta lơ là, chủ quan. Tại Singapore, ban đầu dịch bệnh kiềm chế tốt nhờ kiểm soát được người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng đến giai đoạn sau, khi việc này không thực hiện tốt, dịch lại lan nhanh. Không chủ quan, lơ là nhưng cũng đừng quá hoang mang, lo lắng. Chống dịch không có nghĩa là không để xảy ra thêm trường hợp nào mắc bệnh. Từ sau làn sóng dịch tại Đà Nẵng, Việt Nam vẫn ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 từ nhập cảnh. Tất cả đều được cách ly, điều trị kịp thời. Đến nay, cả nước ghi nhận 1.347 ca nhiễm, trong đó 1.179 ca phục hồi, 35 ca tử vong. Đó là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Ở từng giai đoạn, chúng ta đã có những cách ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, trên hết đó là tinh thần đoàn kết, đồng lòng để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Phòng, chống dịch cần ý thức và sự đoàn kết, đừng đổ bỏ công sức của mọi người vì sự chủ quan của mình. Trước hết hãy vì bản thân mình bởi dịch bệnh không trừ một ai. Tất cả đều có nguy cơ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh đều bị cuốn vào “vòng xoáy” dịch bệnh. Để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người, cách tốt nhất là không được lơ là, chủ quan; thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch.
Có thể tạm xem một làn sóng mới trong chống dịch Covid-19 lại đến và “cuộc chiến” với dịch bệnh lại tiếp diễn. Cái cần nhất vẫn là sự bình tĩnh. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ những đợt chống dịch trước đó thì lần này, tin rằng sẽ tiếp tục khống chế được dịch bệnh./.
Tâm An