Tiếng Việt | English

17/03/2023 - 11:06

'Giải cơn khát' cát cho dự án cao tốc ĐBSCL

Từ nay đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) có ít nhất 4 dự án cao tốc đồng loạt khởi công và cần đến 47 triệu m3 cát. Đây là con số “khổng lồ” trong khi trữ lượng các mỏ tài nguyên ở ĐBSCL đang còn rất hạn hẹp.

Xác định tiến độ không được lùi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về phương án cung ứng nguồn vật liệu phục vụ các dự án giao thông tại đây.

4 dự án cần 47 triệu m3 cát ở ĐBSCL là: cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Lượng cát được dự tính phân bổ theo thời gian lần lượt: 2023 là 17 triệu m3, 2024 là 28 triệu m3 và 2025 là gần 2 triệu m3.

Riêng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (dự án thành phần của tổng Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông) cần tới 18 triệu m3 nhưng các địa phương chỉ mới cân đối cung cấp được 3 triệu m3.

Đến nay, ĐBSCL đã cấp 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 71 triệu m3 cát, công suất khai thác khoảng 15 triệu m3/năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu chung đối với việc khai thác cát là phải bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đảm bảo cân bằng đáy sông, dòng chảy và không sạt lở.

Nhưng nhiều mỏ không đạt chất lượng vì cát lẫn tạp chất và lượng bùn sét lớn. Chỉ có 03 địa phương Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là có trữ lượng cát đạt yêu cầu và sẽ “đứng mũi chịu sào” cung ứng cát cho dự án trọng điểm quốc gia trên tinh thần cân đối - hỗ trợ - chia sẻ.

Tỉnh An Giang hiện đang còn trữ lượng 19 triệu m3 đang khai thác và 6 mỏ được quy hoạch nhưng chưa đánh giá quan trắc. Đại phương khẳng định, vẫn ưu tiên cho các công trình giao thông trọng điểm và dự án phòng tránh thiên tai của tỉnh, còn lại đã hỗ trợ cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (0,8 triệu m3) và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (1,1 triệu m3).

Phương án tiếp theo để cân đối nguồn cát, Bộ GTVT yêu cầu An Giang nâng công suất khai thác, việc này, ông Trần An Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Công trình nào có nhu cầu cấp bách trong năm 2023 thì sẽ nâng công suất các mỏ đã cấp rồi. Còn nhu cầu từ năm 2024 trở đi mình sẽ huy động các mỏ mới, nhưng theo Luật Khoáng sản thì ta phải đấu giá. Nếu chúng ta huy động trữ lượng lớn trong thời gian ngắn thì có nguy cơ khả năng chịu tải của lòng sông bị ảnh hưởng, gây sói lở. Việc này kiến nghị Bộ TN&MT chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn thực hiện công tác quan trắc đánh giá mức độ tới hạn. Không thể nâng công suất “thoải mái”, nếu gây sói lở thì Nhân dân rất bức xúc”.

Khan hiếm cát, nhiều doanh nghiệp đã phải nhập cát từ Campuchia thông qua cửa khẩu Vĩnh Xương ( Tân Châu- An Giang).

Đối với Đồng Tháp, chỉ tính riêng các công trình có vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã cần tới 20 triệu m3 cát. Nhu cầu cát đối với riêng Đồng Tháp đã là khan hiếm, nên việc phân bổ nguồn vật liệu này phải theo danh mục thứ tự: Ưu tiên cho dự án Trung ương giao, đến công trình nội tỉnh và công trình phòng sạt lở. Địa phương đang nỗ lực chia sẻ để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Đối với công trình cao tốc thì Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu m3 cát trong đó có 2 tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Mỹ An – Cao Lãnh. Công với việc tăng công suất 400 nghìn m3 và mở 2 mỏ mới công suất 1,5 triệu m3. Vậy Đồng Tháp sẽ có tổng cộng là 1,9 triệu m3”.

Riêng đối với cát biển thì chỉ mới có tỉnh Trà Vinh cấp phép khai thác 1,1 triệu m3 nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn trong thời gian thí nghiệm thực địa. Nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới xác định được tính hiệu quả. Nên trong năm nay, nguồn vật liệu chính yếu vẫn là cát sông.

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, các địa phương ĐBSCL đang nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên vướng mắc về thủ tục, quy định liên quan đến nâng công suất khai thác và “mở cửa” các mỏ mới cần được Bộ- Ngành tham gia tháo gỡ sớm, nhất là liên quan đến quy định nâng 50% công suất khai thác cát tại các mỏ hiện hữu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo chung: “Bộ GTVT lên biểu đồ cho 04 tuyến cao tốc, nói rõ nhu cầu cát – đất – đá thì chúng ta mới chắc chắn đến năm 2024 ta làm việc gì, làm như thế nào… thì mới bố trí được. Bộ TN&MT sẽ đánh giá toàn bộ các mỏ hiện nay và yêu cầu chung đối với việc này là phải bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đảm bảo cân bằng đáy sông, dòng chảy và không sạt lở”

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT cùng các địa phương, nhà thầu xác định giá cát, không để tăng giá vật liệu trong thời gian thực hiện dự án theo dõi. Tin rằng, với sự nỗ lực cân đối, ĐBSCL sẽ có đủ nguồn cát để thực hiện cán đích 4 tuyến cao tốc quan trọng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế vùng và đảm bảo được cảnh quan – môi trường – an sinh cho Nhân dân ở vùng “rốn cát”. /.

Kim Loan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích