Tiếng Việt | English

28/10/2018 - 18:25

Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), công tác giảm nghèo (GN), giải quyết việc làm (GQVL) trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

Thông qua sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động tìm được việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống

Thông qua sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động tìm được việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó có chỉ tiêu GQVL cho 150.000 lao động/5 năm và tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% (theo chuẩn thu nhập mới của cả nước). Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, các chính sách, chương trình, dự án GN được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác GN được thực hiện theo hướng bền vững nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 3,57% (đầu năm 2017), bình quân giảm 0,4-0,5%/năm. Đến cuối tháng 6/2018, toàn tỉnh có 11.883 hộ nghèo, chiếm 2,93%; 14.994 hộ cận nghèo, chiếm 3,7% tổng số hộ.

Tại thị xã Kiến Tường, chương trình GN bền vững được thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình phát triển KT-XH khác, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, UBND thị xã xây dựng nhiều mô hình GN hiệu quả: Hũ gạo tình thương, Nuôi heo đất, Đồng vốn nghĩa tình,... hỗ trợ bò giống cho 5 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Thạnh Trị với số tiền trên 55 triệu đồng. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Phan Thị Thu Nga (ấp Tầm Đuông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) là một trong những gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Thu Nga chia sẻ: “Thông qua chương trình cho vay hộ nghèo, tôi được vay 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản. Hiện gia đình tôi có 3 con bò, thu nhập ổn định hơn trước. Từ đó, tôi có điều kiện thoát nghèo và sửa sang lại nhà cửa”.

Công tác đào tạo nghề, GQVL cũng được chú trọng thực hiện. Thị xã tổ chức 27 lớp đào tạo nghề, với 781 học viên; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 6.400 lượt lao động. Qua đó, góp phần giảm đáng kể số hộ nghèo trên địa bàn. Nếu như đầu năm 2016, số hộ nghèo trên địa bàn thị xã là 716 hộ, chiếm 6,43% thì đến tháng 6-2018 giảm còn 559 hộ, chiếm 4,47%. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo chỉ tiêu Nghị quyết Thị ủy đề ra.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình GN; đồng thời thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với GQVL sau đào tạo, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

Tập trung giải quyết việc làm

Nhờ tập trung phát triển KT-XH, đầu tư kết cấu hạ tầng, khu, cụm công nghiệp phát triển; hệ thống thương mại - dịch vụ tiếp tục mở rộng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Thông qua các sàn giao dịch việc làm, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn tham gia học nghề hoặc đăng ký việc làm phù hợp.
Các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại, đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác,... tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến tháng 6-2018, toàn tỉnh GQVL cho 88.024 lao động, đạt 58,68% chỉ tiêu nghị quyết.

Việc thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững

Việc thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững

Huyện Cần Đước là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác GQVL. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách GN, huyện tổ chức 40 lớp đào tạo nghề nông thôn với 1.229 học viên; GQVL cho 16.890 lao động, đạt 56,3% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (chỉ tiêu 30.000 lao động). Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tập trung 2 nhóm ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp như kỹ thuật trồng rau an toàn; trồng lúa; trồng thanh long; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; may công nghiệp; nấu ăn, tiếp thị và bán hàng,... Sau khi hoàn thành các lớp học, phần lớn học viên áp dụng vào thực tế hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Vốn (khu phố 2, thị trấn Cần Đước) bày tỏ: “Tôi từng tham gia lớp dạy nghề nấu ăn, tiếp thị và bán hàng do huyện tổ chức. Tôi thấy các lớp học này rất bổ ích, giúp tôi có thêm kỹ năng để vận dụng trong công việc buôn bán của mình”.

Công tác GN, GQVL là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, rất cần sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương./.

 Nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tập trung vào các giải pháp mang tính bền vững thiết thực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, xã nghèo có điều kiện tiếp cận; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phạm Văn Bốn

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết