Tiếng Việt | English

25/02/2019 - 05:01

'Giấy thông hành' và câu chuyện xuất khẩu trái cây Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng thâm nhập được vào thị trường Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho các loại trái cây đặc sản Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên cần có biện pháp chinh phục lâu dài.

Xoài là loại trái cây thứ sáu của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa, mới đây xoài là loại trái cây thứ sáu của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng việc nhiều loại trái cây thâm nhập vào thị trường Mỹ đã mở ra bức tranh tươi sáng cho mục tiêu tăng trưởng của trái cây Việt.

Còn với các doanh nghiệp, bên cạnh sự phấn khởi từ việc tăng giá trị sản phẩm gấp 3, 4 lần so với bán trong nước thì đây là bước đệm để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu giúp tăng giá trị sản phẩm trong tương lai.

Dư địa cho xoài Việt

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh hành trình để xoài Việt có "giấy thông hành" đi Mỹ không hề dễ dàng bởi sự khắt khe về tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu khó tính nhất nhì thế giới. Việc trái xoài Việt đã chinh phục được thị trường nhập khẩu có sức cầu rất lớn này là điều đáng tự hào.

Theo thống kê, Mỹ là thị trường có sức tiêu thụ lớn với xoài nhưng sản xuất tại chỗ của Mỹ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng phải nhập khẩu. Do vậy, hằng năm Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatemala mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại các bang Florida, Hawaii và một lượng nhỏ tại California và Texas.

Đây chính là dư địa để xoài Việt có cơ hội gia tăng tiêu thụ bởi mỗi năm, Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Mỹ.

Quả xoài sau khi rửa được sấy khô để loại sạch nhựa. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Đặc biệt, nếu được quy hoạch vùng sản xuất và chế biến đạt các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính, trái xoài Việt Nam với giá trị sản xuất đạt 490 triệu USD có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại ngoại tệ lớn giống như thanh long, nhãn, chôm chôm...

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ các đơn vị xuất khẩu của Việt Nam đang làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam để hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi đưa trái xoài vào thị trường Mỹ.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, trái xoài của Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh tại thị trường Mỹ vì chủng loại đa dạng và hương vị đặc trưng. Qua khảo sát, hiện xoài của Mexico đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ.

Xoài của Mexico chín ăn rất ngọt nhưng không có hương vị thơm ngon như xoài cát của Việt Nam nên mặt hàng này của Việt Nam có thể cạnh tranh được dù giá thành cao do vận chuyển bằng đường máy bay.

Ngoài ra, phía Mỹ cho các chủng loại xoài của Việt Nam được vào nước này nên có thể xuất khẩu thêm các loại xoài xanh, xoài tượng… để đa dạng các mục đích tiêu dùng như làm gỏi, salad. Đặc biệt, các loại xoài này có thể được vận chuyển bằng đường biển nên giá thành sẽ giảm hơn.

Theo giới phân tích, phía Mỹ yêu cầu xoài xuất khẩu sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập...

Trái xoài của Việt Nam được trồng từ Nam ra Bắc, với những giống xoài nổi tiếng có hình dáng đẹp và hương vị đặc trưng như xoài cát Hòa Lộc, xoài Keo, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài bưởi, xoài Cát bồ, xoài Canh nông, xoài Yên Châu...; trong đó giống xoài chủ lực xoài Cát Hòa Lộc đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Các vườn xoài xuất khẩu được sản xuất theo quy trình chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và GlobalGAP.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng thâm nhập được vào thị trường Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho các loại trái cây đặc sản Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, sau quá trình thâm nhập là định hướng biện pháp chinh phục lâu dài, nhất là với thị trường khó tính như Mỹ.

Vì thế người nông dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài trong xây dựng chất lượng cũng như bảo đảm ổn định về số lượng sản phẩm để cung ứng theo yêu cầu của các thị trường này.

Khắc phục điểm yếu

Theo Bộ Công Thương, mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của mặt hàng trái cây cán đích 4 tỉ USD, vượt qua cả dầu thô nhưng giá trị cạnh tranh vẫn rất thấp và khâu bảo quản vẫn là điểm yếu cơ bản.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, các chuyên gia thương mại khẳng định hiện nay, xuất khẩu trái cây Việt Nam xuất sang Mỹ số lượng lớn nhất vẫn là nhãn và thanh long vì 2 loại trái này có thời gian bảo quản tương đối dài. Nhãn bảo quản được 45 ngày, thanh long được 30 ngày.

Tuy vậy, với thời gian ấy, nhãn và thanh long sang Mỹ bằng tàu biển cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn.

Trong khi đó, chôm chôm với thời hạn bảo quản chỉ khoảng một tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi máy bay, mà giá cước máy bay rất cao khiến cho việc xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ bị hạn chế khá nhiều. Quả vải gần như không còn được các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ do thời gian bảo quản quá ngắn.

Thực tế này cho thấy bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay ngành sản xuất rau quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức trước những quy định ngặt nghèo của nước sở tại về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói..., nhất là công nghệ bảo quản.

Nếu như Nhật Bản có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo thì trái cây Việt Nam vẫn bảo quản theo phương pháp giữ mát là chính.

Hay như một số quốc gia yêu cầu phải chiếu xạ, mà Việt Nam chỉ có một nhà máy chiếu xạ ở Thành phố Hồ Chí Minh thì việc vận chuyển từ các vùng miền khác về để chiếu xạ mất rất nhiều thời gian và làm đội chi phí, hiệu quả không cao.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, Bộ Công Thương kỳ vọng giá trị xuất khẩu cây ăn quả năm 2019 có thể tăng thêm 1 tỉ USD so với năm 2018. Nhiều loại cây ăn trái đang có cơ hội phát triển lớn là bưởi, chanh leo và sầu riêng.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, khẳng định những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản… đang mở cửa nhiều hơn với các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam.

Do đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn hơn nếu đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moskva (Nga), Foodex (Nhập Bản)... để gặp gỡ khách hàng toàn cầu, đồng thời nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng khu vực.

Tuy nhiên, để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên 10-20 lần so với trái cây tươi.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản, tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng phát triển nguồn hàng xuất khẩu, cùng đó là các biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo tính bền vững.

Ngoài ra, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm phù hợp và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích