Giáo viên kiên nhẫn hướng dẫn từng em
Dạy kỹ năng sống cho trẻ
Năm học 2018-2019, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh tiếp nhận mới 40 HS với 4 lớp, trong đó, 3 lớp khuyết tật dạng trí tuệ, 1 lớp khuyết tật dạng nghe - nói. Đây là những HS được trường rất quan tâm nhằm giúp các em làm quen với trường lớp, thầy cô, bạn bè, phương pháp dạy học,...
Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong cho biết: “Khi tiếp nhận HS mới, trường tiến hành khảo sát ban đầu để phân dạng khuyết tật, tình trạng khuyết tật nặng - nhẹ của HS. Từ đó, trường phân lớp phù hợp; đồng thời có những giải pháp giúp đỡ các em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi - đối tượng cần can thiệp sớm”.
Đầu năm học, trường nỗ lực giúp HS làm quen với môi trường xung quanh thông qua các hoạt động giảng dạy, vui chơi. Theo đó, giáo viên (GV) chú trọng rèn luyện kỹ năng sống (KNS) cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Tố Như - GV lớp dự bị 1 TT, cho biết: “Đảm nhận lớp HS khuyết tật dạng trí tuệ nên tôi phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là dạy các em KNS. Tôi hướng dẫn các em cách ngồi, cách tập trung, biết tự vệ sinh cá nhân hoặc biết nhờ sự giúp của GV. Theo đó, tôi thường xuyên trò chuyện, tạo sự gần gũi với trẻ. Lớp tôi hiện có 1 HS tự kỷ. Đối với HS này, tôi không nóng vội dạy KNS mà từ từ giúp em làm quen với môi trường mới. Đầu tiên, tôi cho em ngồi một mình quan sát lớp, tiếp đến ngồi riêng với tôi, rồi ngồi với nhóm bạn và cuối cùng là ngồi với cả lớp. Sau khi em ấy chấp nhận môi trường tập thể, tôi dạy KNS cho em”.
Ngoài ra, trường còn chủ động phối hợp phụ huynh trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Theo đó, với mỗi HS, trường đều tìm hiểu kỹ bệnh lý, tính cách, những điểm cần chú ý với trẻ. Thầy Trần Thanh Phong cho biết thêm: “Sự hợp tác của phụ huynh HS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường cũng như góp phần tích cực trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, khi nắm rõ hồ sơ khám bệnh của HS, GV biết phát huy những điểm mạnh và cải thiện những điểm yếu của HS. Đồng thời, sau khi trường dạy trẻ KNS, phụ huynh rèn thêm tại nhà, trẻ sẽ tiến bộ rõ hơn”.
Giáo viên kiên nhẫn
Để giúp trẻ tiến bộ, phát triển KNS, GV phải nỗ lực, yêu trẻ, tâm huyết và kiên nhẫn trong quá trình nuôi dạy các em. Đây cũng là đức tính cần có của những GV dạy trẻ khuyết tật.
Trong quá trình giảng dạy, GV dạy chậm, lặp đi lặp lại kiến thức và sử dụng nhiều tranh ảnh để thu hút HS là điểm chung của những lớp học của trẻ khuyết tật. Có khi chỉ một nội dung nhỏ nhưng GV phải dạy cả buổi, bởi còn 1 HS chưa hiểu. Cô Nguyễn Thị Mỹ Trang - GV lớp dự bị 1 NN, bộc bạch: “Nghề nào cũng có đặc thù riêng. Với nghề dạy trẻ khuyết tật, có lẽ kiên nhẫn là yếu tố quan trọng nhất. Đặc biệt với HS mới, tôi thường xuyên trò chuyện giúp các em làm quen với tôi và các bạn. Hiện tôi phụ trách lớp HS khuyết tật dạng nghe - nói. Tôi quan tâm từng em, tập cho các em kỹ năng nhìn miệng của tôi và các bạn để hiểu ngôn ngữ. Đồng thời, tôi dạy ngôn ngữ cho các em thông qua phát âm, trò chuyện. Đây là quá trình rất dài nên đòi hỏi cả cô - trò đều phải kiên nhẫn. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng tôi tự nhủ mình phải kiên nhẫn, không được bỏ cuộc bởi sự tiến bộ nhỏ của trẻ là một thành quả lớn của GV”.
Học sinh thích thú với các hoạt động trong lớp
“Phụ trách lớp HS khuyết tật dạng trí tuệ nên có nhiều đối tượng HS: Tăng động, tự kỷ, trí não kém phát triển,... Do đó, tôi phải tìm hiểu đặc điểm, tính cách của mỗi em để có phương pháp dạy phù hợp. Trong quá trình giảng dạy, tôi phải linh động trong cách dạy tùy theo tính cách mỗi em, giúp các em tiến bộ. Để làm được điều đó, GV phải thật sự kiên nhẫn và yêu trẻ; đồng thời có sự phối hợp tốt với phụ huynh” - cô Nguyễn Thị Tố Như cho biết thêm.
Nhờ can thiệp sớm, chú trọng dạy KNS và sự nhiệt tình, kiên nhẫn của GV, HS trường khuyết tật tiến bộ hơn so với đầu năm học. Hy vọng rằng, nền tảng đó sẽ giúp nhiều trẻ cải thiện sức khỏe và tham gia học hòa nhập tại trường phổ thông trong thời gian tới./.
Ngọc Sương