Tiếng Việt | English

20/07/2023 - 08:29

Hiên ngang cây bàng Côn Đảo

Côn Đảo là quần đảo có diện tích 76km2, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đảo Côn Sơn chiếm trên 50km2, là nơi có người sinh sống. Côn Sơn còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Phú Hải. Khi đặt chân lên Côn Đảo, điều khiến người ta thích thú đầu tiên là cây xanh. Cả quần đảo được che phủ bởi màu xanh của cây cối, nhất là cây bàng, dù bất cứ ở đâu cũng thấy chúng hiện diện như thể đang che chở cho người dân nơi đây.

Không biết tự bao giờ cây bàng xuất hiện trên đảo này, chỉ được biết chúng nảy chồi và sinh trưởng là nhờ những quả bàng trôi nổi từ đất liền ra đây. Chúng có sức kháng mặn, gió biển, chống bão rất tốt. Có thể do điều kiện khắc nghiệt ấy nên thân cây, tán lá và quả bàng cũng to lớn hơn bàng trong đất liền. Những cây bàng nơi đây đều có tuổi đời trên 120 năm, thân to 2-3 người ôm không hết, được đánh số một cách trang trọng. Bàng gắn liền với quần đảo qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước khốc liệt. Bàng là chứng nhân, là biểu tượng, nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí quật cường của những chí sĩ yêu nước bị tù đày, tra tấn. Đặc biệt, 8 cây bàng tại Di tích Trại giam Phú Hải được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vì lẽ đó, bàng được xem như là một cây thiêng tại Côn Đảo.

Cây bàng tại Trại giam Phú Hải, Côn Đảo

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, những người tù cách mạng đã được cây bàng cưu mang, bảo bọc. Mỗi khi ra ngoài lao động, các chí sĩ thu gom, cất giấu những lá bàng khô đưa về trại giam, xếp trên nền bêtông và đá để chống chọi với cái lạnh và cái nóng khắc nghiệt trong nhà tù. Quả bàng tươi và lá bàng non đôi khi được dùng làm bữa ăn hàng ngày để chống đói hoặc chữa bệnh.Những người yêu nước còn sử dụng lá bàng để truyền tin và viết thơ ca trong trại giam Phú Hải, Phú Tường,...

Dưới hốc cây bàng, nơi được xem như hộp thư để họ trao đổi thư tín. Nhiều tù nhân bị giam cầm lâu năm còn dùng màu lá trên cây bàng để tính thời gian, đếm mùa và tính năm,... Dù những trại giam nơi đây được xem là "địa ngục trần gian" nhưng đã không làm lung lay ý chí yêu nước của người tù cộng sản. Ngược lại, còn làm tăng thêm sức mạnh, giúp họ thoát cửa tử trở về đất liền tiếp tục sự nghiệp kháng chiến, chống giặc ngoại xâm.

Có những người không chịu nổi đòn roi của giặc, đã bỏ mình tại đây nhưng cái chết vinh quang của họ đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí quật cường cho những người ở lại. Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng,... là những người tù Côn Đảo làm rạng danh đất nước.

Mứt hạt bàng Côn Đảo là một trong những đặc sản mà du khách khi đến đây đều mua về làm quà. Quả bàng ở Côn Đảo có kích thước to nên dễ làm mứt. Gọi là mứt nhưng thực chất là bàng được rang khô. Vào mùa hè, khoảng đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 thì cây bàng có quả chín nhiều nhất. Mỗi khi có cơn gió lớn hay bão, quả bàng rụng đầy đường. Người dân tận dụng lúc rảnh rỗi, tập trung đi thu hoạch như trẩy hội. Quả bàng mang về sẽ phơi khô, dùng dao nhỏ chẻ đôi lấy hạt, khéo léo rang trên ngọn lửa đều là đã có một món đặc sản thơm ngon cho du khách trải nghiệm. Thoạt đầu, bàng chỉ có rang muối nhưng giờ đây đã có thêm nhiều vị cho “tín đồ” ăn vặt có nhiều sự lựa chọn: Bàng nguyên bản, vị sa tế, dứa, rang muối, tẩm đường,... Vị hạt bàng nơi đây không giống như trong đất liền, rất bùi, béo, ngọt thanh và giòn tan khi ăn.

Cây bàng có tầm ảnh hưởng to lớn đối với người dân Côn Đảo là vậy. Đi dưới những tán bàng xanh mát hôm nay, người ta như đang hồi tưởng về những năm tháng kháng chiến xa xưa, nơi mà những người yêu nước bị giặc Pháp, Mỹ tra tấn, tù đày. Nghĩ về những hy sinh, mất mát ấy, hế hệ hôm nay lại càng thêm kính yêu, nể phục và trân quý những gì mà cha anh đã ra sức bảo vệ non sông. Từ đó, tự nhủ lòng, nhắc nhở bản thân phải góp một phần nhỏ bé để đất nước hôm nay thêm giàu đẹp, không hổ thẹn với tiền nhân./.

Đặng Trung Thành

Chia sẻ bài viết