Tiếng Việt | English

30/10/2024 - 09:38

Kết nối cung - cầu an toàn - 'Chìa khóa vàng' cho nông nghiệp bền vững

Thời gian qua, các hoạt động giao thương kết nối cung - cầu nông sản an toàn được các sở, ngành tỉnh Long An và các địa phương, doanh nghiệp (DN),... triển khai, thực hiện hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; tháo gỡ khó khăn cho DN, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản an toàn, tạo nguồn cung với giá cả ổn định cho thị trường, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.

Gian hàng nông sản tại Co.op Mart Bến Lức được giữ ở nhiệt độ phù hợp để rau tươi ngon

Hiệu quả kết nối cung - cầu

Những năm qua, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy kết nối cung - cầu nông sản an toàn. Các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và thương mại điện tử giúp nhiều DN trong tỉnh tìm được đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 650 DN tham gia các sự kiện kết nối giao thương. Nông sản Long An hiện được tiêu thụ mạnh mẽ tại các hệ thống phân phối lớn như Co.op, San Hà, Go, với sản lượng từ 340-360 tấn/đêm tại các chợ đầu mối lớn như Bình Điền, Hóc Môn,...

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực phối hợp các DN, hợp tác xã (HTX) để kết nối, đưa sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh ra thị trường. Ngoài việc mở rộng tiêu thụ nội địa, Sở còn thường xuyên hỗ trợ DN tham gia các hội chợ quốc tế tại Trung Quốc, Thái Lan; phối hợp các cơ quan ở nước ngoài như Gabon, Úc, Mỹ, giúp DN có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, mở rộng quy mô sản xuất và khẳng định chất lượng nông sản địa phương”.

Các hoạt động kết nối cung - cầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp DN ký kết 282 hợp đồng cung ứng hàng hóa với DN các tỉnh, thành phố. 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 9,57 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt hơn 5,82 tỉ USD, tăng 12,62%; trong đó gạo 331 triệu USD, tăng 20,04%.

Các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn tạo điều kiện cho DN trong tỉnh khẳng định vị thế, mở rộng kênh phân phối và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Saigon Co.op thực hiện nhiều hoạt động nhằm kết nối cung - cầu nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm nông sản sạch và an toàn của người tiêu dùng. Qua đây, không chỉ cung cấp nguồn nông sản an toàn và đa dạng cho khách hàng mà còn thể hiện vai trò hỗ trợ, kết nối, phát triển bền vững cùng với nông dân và địa phương.

Gian hàng nông sản tại Co.opmart Bến Lức

Co.op Mart Bến Lức là chi nhánh nằm trong chuỗi nên cũng thực hiện theo các hoạt động của chuỗi. Giám đốc Co.op Mart Bến Lức - Trần Thị Hồng Quyên cho biết, để lựa chọn và hợp tác với các nhà cung cấp nông sản, siêu thị xem xét một số tiêu chí quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng và bảo vệ uy tín.

Nông sản phải có chất lượng, điều này được đánh giá qua độ tươi ngon, hương vị và có chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP,... Nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, minh bạch; khả năng cung cấp ổn định và giá cả hợp lý; đơn vị cung cấp có uy tín và kinh nghiệm của nhà cung cấp;... Nhìn chung, khách hàng đánh giá cao các nông sản an toàn trong siêu thị và có xu hướng quay lại mua sắm nếu sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về an toàn, chất lượng và giá cả hợp lý” - chị Quyên chia sẻ thêm.

"Các cơ sở sản xuất nông sản phải tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước và yêu cầu của thị trường, hướng tới đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế. Ngành Nông nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sản xuất nông sản bảo đảm không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thay đổi tư duy tiêu dùng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ

"Chúng tôi hoạt động theo mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” nên tiêu chí để các sản phẩm nông sản thương mại tại hệ thống là cần đáp ứng về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, San Hà thường xuyên tham gia chương trình kết nối cung - cầu tại tỉnh và TP.HCM, qua đó tìm kiếm những nhà cung cấp nông sản an toàn, mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm đáng tin cậy. Khách hàng rất an tâm và tin tưởng khi mua các sản phẩm nông sản an toàn được bày bán tại các cửa hàng”.

Quản lý chuỗi cửa hàng San Hà tại TP.Tân An

"Tôi đặt tiêu chí an toàn và chất lượng lên hàng đầu khi chọn mua nông sản để nấu ăn cho gia đình. Mỗi khi đi siêu thị, tôi quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đạt các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, giúp tôi yên tâm hơn vì biết rằng sản phẩm đã trải qua quy trình sản xuất, kiểm định nghiêm ngặt. Sức khỏe của gia đình là quan trọng nhất nên việc chọn nông sản an toàn là một cách để bảo vệ sức khỏe của gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức)

Tạo điều kiện thuận lợi

Toàn tỉnh hiện có 294 lượt mã số vùng trồng, với tổng diện tích 14.121,95ha, cung cấp sản phẩm cho thị trường quốc tế; đồng thời, có 170 cơ sở đóng gói đang hoạt động. Để bảo đảm chất lượng, hàng năm, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thực hiện lấy mẫu, kiểm nghiệm sản phẩm theo chương trình giám sát.

Bên cạnh đó, Chi cục kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, cấp giấy chứng nhận cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, việc kết nối cung - cầu trong nông sản an toàn mang lại hiệu quả như bảo đảm đầu ra ổn định, từng bước phát triển, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Chi cục hỗ trợ xây dựng và kết nối 35 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản lượng ước đạt 151.000 tấn/năm.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) thường xuyên tham gia các ngày hội xúc tiến cung - cầu

Đối với các sản phẩm nông sản trong chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, Chi cục hỗ trợ 2.511.000 tem QR code cho 21 cơ sở được chứng nhận chuỗi. Nhờ đó, người tiêu dùng chủ động truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất, thu hoạch đến phân phối, từ đó đưa ra quyết định mua hàng thông minh, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hỗ trợ DN và HTX kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như Sàn thương mại kết nối cung - cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Postmart (Sàn thương mại điện tử quốc gia),...

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối nông dân với DN chế biến, tạo điều kiện thuận lợi giao thương sản phẩm.

Hiểu được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế mạnh của HTX là sản xuất thanh long và dưa lưới, được chứng nhận chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm.

Mỗi tháng, HTX sản xuất từ 15-20 tấn thanh long, đầu ra chủ yếu bán cho các kho thanh long trong huyện (do HTX chưa có chức năng xuất khẩu thanh long); sản xuất từ 8-10 tấn/tháng dưa lưới, đầu ra chủ yếu bán nội địa.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ - Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Tham gia cung ứng rau an toàn theo chuỗi, các thành viên bảo đảm sản xuất an toàn, được hướng dẫn chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói. Để bảo đảm cân đối cung - cầu, HTX chủ động ký kết hợp đồng với các DN và siêu thị không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất với giá cả ổn định mà còn mở ra nhiều cơ hội để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

Các sản phẩm nông sản của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) được rửa sạch trước khi đưa đến khách hàng

Từ lâu, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) trở thành “cầu nối” quan trọng giúp nông dân tiêu thụ nông sản một cách ổn định và bền vững. Với 34 thành viên góp vốn và hơn 100 thành viên liên kết, HTX mở rộng sản xuất ở nhiều khu vực như Thủ Thừa, TP.Tân An, Mộc Hóa,... Từ đó, tạo điều kiện cho nông sản được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị lớn như Co.op, các công ty tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận, hệ thống Bách Hóa Xanh, San Hà,...

Giám đốc Kinh doanh HTX Mỹ Thạnh - Lê Thị Hằng cho biết: “Hiện nay, tiêu chuẩn lựa chọn nông sản của khách hàng ngày càng cao. Với hơn 35ha rau màu các loại như dưa leo, bầu, bí xanh, khổ qua, mướp hương, khoai mỡ,... Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 5 tấn nông sản. Việc tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu giúp chúng tôi kết nối thêm với các DN và nhà hàng, từ đó ổn định sản lượng tiêu thụ, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân”.

Việc kết nối cung - cầu nông sản an toàn tại tỉnh mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân ổn định đầu ra và nâng cao giá trị nông sản. Thông qua các chương trình kết nối, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp cận được những thị trường lớn. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm địa phương, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết