Tiếng Việt | English

10/08/2016 - 16:54

Khi đàn ông vào bếp

Khác với phụ nữ, sẽ hiếm có những bữa ăn cầu kỳ khi những đấng mày râu vào bếp chuẩn bị bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, dù cao sang hay đạm bạc, bữa cơm gia đình do người chồng đảm đương là cả tình yêu thương và sự sẻ chia cùng vợ...


Nấu ăn là cách thể hiện sự quan tâm đến gia đình. Ảnh minh họa: Internet

Chẳng so đo chuyện “xay lúa thì khỏi bồng em” như câu tục ngữ ngày xưa, ông Lê Quang Được, 47 tuổi, ở ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ là trụ cột gia đình, vừa giỏi việc ruộng vườn, vừa khéo léo chăm lo cho gia đình từng bữa cơm. Từ ngày lập gia đình đến nay hơn 21 năm, cuộc sống gia đình ông Được dựa vào 1ha đất ruộng trồng 2 vụ lúa/năm. Hiểu được công việc ruộng đồng vất vả nên những lúc ở nhà, ông Được thường chia sẻ cùng vợ việc nấu ăn mà không so đo đó là chuyện của phụ nữ.

Ông cho biết: “Nhiều đàn ông bây giờ không biết nấu ăn nên khi vợ bận việc hay đi vắng thường ăn mì gói hoặc cơm tiệm cho qua bữa. Với tôi lại khác, từ nhỏ, tôi được ba dạy làm việc nhà nên bây giờ, khi có gia đình, những lúc vợ bận việc, tôi thay vợ chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà. Chưa bao giờ nhà tôi bỏ một bữa cơm gia đình, vì đây là thói quen từ trước đến nay”.

Giúp vợ vào bếp không đơn thuần là chuẩn bị một bữa ăn để no bụng, có thêm năng lượng sau một ngày lao động cực nhọc mà đó còn là tình yêu thương, sự sẻ chia. Ông Được hiểu sự cực nhọc của phụ nữ khi vừa phải đảm đương việc nhà, vừa nuôi dạy con cái và phải làm ruộng nên giúp vợ được việc gì, ông đều sẵn sàng, không so đo, ngần ngại. Những bữa cơm do ông nấu làm ấm thêm tình cảm gia đình, gắn kết yêu thương và chia sẻ một phần tất bật trong cuộc sống với người phụ nữ.


Mỗi lần vào bếp, ông Lê Quang Được đều dạy con nấu ăn, qua đó, tình cha con thêm thắt chặt

Để có những bữa cơm ngon, canh ngọt, ông thường dậy sớm nấu bữa ăn sáng cho cả nhà. Mỗi chiều, sau khi làm đồng về, ông lại loay hoay vào bếp nấu ăn. Ông Được chia sẻ: “Đi làm về trễ, đã mệt mà còn vào bếp nấu ăn thì phụ nữ ít có thời gian ngơi nghỉ nên tôi làm thay. Hơn nữa, vốn thích nấu ăn và muốn mang đến cho cả nhà những bữa cơm ngon miệng, tôi thường xem trên Internet công thức nấu các món mới. Khi đi đâu, được ăn món ngon, tôi đều hỏi cách làm để về nhà nấu cho vợ con ăn”.

Còn anh Lê Văn Tèo, ở phường 5, TP.Tân An hầu như đảm nhận công việc nội trợ vì vợ anh đi làm về rất trễ. Không câu nệ chuyện bếp núc là của phụ nữ, anh Tèo thường thay vợ chuẩn bị bữa cơm gia đình. Cưới nhau hơn 10 năm, cả 2 đều làm công nhân. Anh làm trong công ty của người quen ở phường 4, TP.Tân An, chị làm tận Khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) nên mỗi hôm về nhà cũng gần 20 giờ. “Thấy vợ đi làm xa, về trễ cực nhọc nên mỗi buổi chiều đi làm về, tôi đều đi chợ, nấu ăn để khi vợ về có cơm, canh, ăn rồi nghỉ ngơi cho khỏe để hôm sau lại đi làm. Vì tôi cũng làm công nhân nên tôi hiểu được sự mệt nhọc trong công việc của vợ, hơn nữa, đàn ông khỏe hơn phụ nữ nên khi chia sẻ được việc gì, dù là việc nhỏ thì cũng nên làm”.

Thật hạnh phúc biết bao khi trong gia đình có một người đàn ông, người chồng biết yêu thương, chia sẻ với vợ dù là những việc nhỏ. Đó là những người chồng với suy nghĩ tiến bộ, không so đo việc này của chồng, chuyện kia của vợ!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Đại lý Bếp từ tại Hưng Yên giá máy làm đá viên 2 tấn Fushima Tủ Cigar Liebherr chính hãngQuang Huy sản xuất xe bán hủ tiếu giá rẻ