Tiếng Việt | English

06/08/2015 - 10:19

Không thể để cán bộ có tham vọng quyền lực lọt vào Trung ương?

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao phải kiên quyết không để lọt vào Trung ương những cán bộ có tham vọng quyền lực?

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XI, khi nói về tiêu chuẩn nhân sự khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…”.

Khái niệm “tham vọng quyền lực” được nhiều Đảng viên và nhân dân rất quan tâm chú ý. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao phải kiên quyết không để lọt vào Trung ương những cán bộ có tham vọng quyền lực?

Không có quyền lực thì không thể tham nhũng

Theo ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, quyền lực là quyền được quyết định, quyền được phán xét, ra lệnh. Như bố mẹ có quyền lực đối với con cái, bắt con phải làm việc này, việc khác. Thủ trưởng cơ quan có quyền quyết định nhiều vấn đề của cơ quan và đối với từng cơ quan thì đều có quyền lực riêng. Những người lãnh đạo đất nước cũng có quyền được quyết định, phán xét như vậy.

“Nếu quyền lực không được giám sát thì dễ dẫn đến quyền lực không có giới hạn. Mà quyền lực không có giới hạn thì sẽ gây ra tình trạng lộng quyền, chuyên quyền độc đoán, rất nguy hiểm trong công tác lãnh đạo quản lý, phản dân chủ. Quyền lực thường gắn với quyền lợi hay nói thẳng ra là gắn với tiền. Chính vì vậy, Tổng Bí thư lưu ý điều này là rất thỏa đáng”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng: Khái niệm “tham vọng quyền lực” lần đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra cho thấy Đảng hiểu rõ vấn đề tham vọng quyền lực và những vấn đề đằng sau khát vọng quyền lực. Người không có quyền lực không thể tham nhũng, người có chức nhỏ thì tham nhũng nhỏ, có quyền lực lớn tham nhũng lớn.

PGS.TS Phạm Xanh (Ảnh: Thanh Hà)

“Một đất nước không thể thiếu những cán bộ có tham vọng quyền lực, nhưng biết sử dụng quyền lực để phục vụ dân tộc. Nếu thiếu họ đất nước sẽ không thể tiến xa, tiến nhanh hơn được. Chúng ta cần cổ vũ những người dám xả thân, dám nhận trách nhiệm để phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, phải phân biệt rành mạch giữa tham vọng quyền lực với việc sử dụng quyền lực vào những mục đích khác nhau. Những người có tham vọng quyền lực không trong sáng thì họ cũng sẽ sử dụng quyền lực có được không trong sáng, chủ yếu sử dụng quyền lực cho mục đích cá nhân, cho gia đình, chứ không sử dụng cho mục đích chung”, PGS.TS Phạm Xanh nhận định.

Làm sao để loại bỏ cán bộ có tham vọng quyền lực?

Những phương hướng, tiêu chuẩn về công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XII đã rõ ràng, nhưng, để lựa chọn được những cán bộ ưu tú vào Trung ương, theo ông Vũ Quốc Hùng cùng với trách nhiệm của các tổ chức Đảng và đảng viên, việc hỏi dân, nghe dân là rất cần thiết.

“Ví dụ người A được ứng cử, đề cử vào khu vực nào thì phải niêm yết danh sách tại trụ sở Đảng ủy phường, xã hay cơ quan để mọi người được biết và nên có thùng thư bên cạnh để người nào có ý kiến thì gửi vào đó và không cần phải ký tên. Hoặc cũng có thể gửi thư góp ý trực tiếp cho thủ trưởng, Đảng ủy cơ quan.

Bởi vì người nào được giới thiệu vào Trung ương, thì Đảng ủy cơ quan đó cũng có trách nhiệm, thậm chí Chi bộ cũng phải có trách nhiệm. Nếu để một người ngồi nhầm vị trí, có quyền lực và “vui thú” với quyền lực dễ dẫn đến sai lầm, gây hại cho đất nước và cá nhân ấy sẽ bị nhân dân khinh ghét.

Theo đó, lấy tinh thần nhân ái, thương yêu đồng chí một cách khách quan để góp ý, phát hiện những người có phẩm chất tốt, có tâm, có tầm để giới thiệu vào Trung ương. Còn những người khéo léo, mị dân, dùng mọi cách mua chuộc, bỏ tiền chạy chức chạy quyền thì phải loại bỏ”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) hoàn toàn ủng hộ những tiêu chí, chuẩn mực đặt ra đối với các Ủy viên Trung ương khóa XII tới. Tuy nhiên, ông cho rằng giữa tiêu chuẩn đặt ra và thực hiện trong thực tế có khoảng cách, đòi hỏi nỗ lực, vai trò lãnh đạo kiên quyết của Đảng từ cấp Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, trên cơ sở kỷ luật Đảng và pháp luật thì mới phát hiện được những người không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương.

“Một vấn đề rất quan trọng là phải lắng nghe ý kiến nhân dân. Dân phát hiện cán bộ tốt hay không tốt, giỏi hay không giỏi rất chính xác, nên phải làm thế nào lắng nghe ý kiến của dân để họ góp ý chọn những người vào các vị trí lãnh đạo từ cấp cao nhất cho tới cơ sở. Vì xét đến cùng, như Bác Hồ đã nói: lãnh đạo này là để lãnh đạo dân và dân chịu sự lãnh đạo ấy. Người lãnh đạo tốt thì dân được nhờ, người lãnh đạo kém thì người dân sẽ phải chịu hậu quả của sự kém cỏi đó”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc bày tỏ.

Lựa chọn nhân sự là một vấn đề khó, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thừa nhận như vậy, đồng thời cho rằng về phương pháp, phải làm thế nào tạo được sự dân chủ, đồng thuận, ý thức trách nhiệm cao trong phê bình và tự phê bình. Chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận, chỉ có đồng thuận mới tạo được sự đoàn kết để lựa chọn, xem xét.

Ông Phạm Thế Duyệt (Ảnh: Minh Hòa)

“Con người thì không thể toàn vẹn được, nhưng bao giờ cũng phải biết lựa chọn những người toàn tâm toàn ý, kiên quyết hành động, hành động có ý thức trách nhiệm, có tính Đảng, có trách nhiệm với dân, biết phát huy dân chủ trong nội bộ cơ quan, nội bộ tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, trong nội bộ các đồng chí lãnh đạo các thế hệ, trong hệ thống tổ chức cấp trên và cấp dưới. Làm thế nào để những ý kiến đúng đắn đều được lắng nghe, chứ không chỉ những ý kiến xuôi chiều.

Về trách nhiệm lựa chọn Trung ương, giới thiệu vào Bộ Chính trị, tôi muốn đề xuất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ngoài người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm, còn có tổ chức, cá nhân cấp trên chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, người theo dõi nhân sự của tỉnh nào, họ phải có trách nhiệm về việc theo dõi nhân sự được giới thiệu và Trung ương và Bộ Chính trị trước toàn Đảng. Nếu chọn sai, thì tổ chức, cá nhân theo dõi, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về nhân sự ấy. Như thế công tác nhân sự mới nghiêm, không đi vào con đường chạy chọt, đổ trách nhiệm cho dưới”, ông Phạm Thế Duyệt đề nghị.

PGS.TS Phạm Xanh cũng mong mỏi Trung ương sẽ làm thật tốt công tác nhân sự: “Tôi nói một cách thẳng thắn, chân thành rằng, chưa bao giờ, chưa lúc nào người dân quan tâm đến bộ máy lãnh đạo của Trung ương như bây giờ. Bởi vì đường lối chính trị đúng đến mấy, nhưng cũng phải qua sự thực thi của hệ thống cán bộ, những người có trách nhiệm. Điều này quyết định tất cả. Cho nên, nếu chọn đúng cán bộ, nghĩa là Nghị quyết của Đảng sẽ đi vào cuộc sống, đường lối của Đảng sẽ được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được xác định và Đảng tiếp tục được nhân dân tin cậy”./.

Công Hân/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết