Tiếng Việt | English

29/05/2023 - 09:32

Kiên cường thời chiến, cống hiến thời bình (Bài 2)

Chiến tranh qua đi, những vùng kháng chiến cũ vươn mình đi lên. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những người lính kiên trung năm nào luôn tỏa sáng giữa đời thường. Thế hệ trẻ hôm nay xung kích, tình nguyện trên mọi mặt trận để góp sức xây dựng quê hương.

Bài 2: Những đổi thay ở vùng kháng chiến

Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, những vùng kháng chiến đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Từ đó, diện mạo nông thôn khoác lên “chiếc áo mới”, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Đất anh hùng đi lên

Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tại các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Nhiều địa phương trở thành "điểm sáng" trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình phải kể đến là xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, quân và dân Mỹ Hạnh Nam chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chính quyền và người dân nơi đây đã tiếp nối, phát huy truyền thống đó vào công cuộc xây dựng quê hương. Đây là xã đầu tiên của huyện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) vào năm 2014 và được công nhận xã NTM nâng cao năm 2020. Thành quả đã đạt là động lực để cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương vững tin tiến lên trong giai đoạn mới.

Diện mạo xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) ngày càng khởi sắc bởi các tuyến đường được quan tâm đầu tư xây dựng

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam - Võ Thành Trung cho biết: “Sau chiến tranh, nơi đây là vùng đất trắng, người dân nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc. Đến nay, địa phương trở thành vùng quê sung túc, trù phú, phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Người dân chủ yếu làm công nhân, kinh doanh, buôn bán, một số ít là lao động nông nghiệp. Xã đang trong lộ trình XDNTM kiểu mẫu và phấn đấu “về đích” vào năm 2025”.

Đến nay, có trên 100 tuyến liên ấp, liên xã, xóm, ấp đều được tráng bêtông rộng rãi theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trên các tuyến đường còn được MTTQ, các đoàn thể và người dân trồng hoa, cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Nhà cửa của người dân được nâng cấp, sửa chữa khang trang. Hiện hộ nghèo chỉ còn 6 hộ (0,13%), thu nhập bình quân trên 65 triệu đồng/người/năm. Trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, dạy và học. Cơ sở vật chất văn hóa, khu vui chơi, thể dục - thể thao của xã được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt đời sống tinh thần của người dân.

Bà Huỳnh Thị Hích (ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam) chia sẻ: “Các phong trào do xã phát động, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Khi địa phương vận động hiến đất, kinh phí làm đường, ai cũng vui vẻ thực hiện. Gia đình tôi và nhiều hộ dân còn tham gia trồng hoa, vệ sinh trên các tuyến đường nhằm tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Bài 1: Trên quê hương 'Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc'

Đất cù lao chuyển mình

Có dịp về thăm cù lao Long Hựu (xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, huyện Cần Đước), chúng tôi cảm nhận được những đổi thay ở vùng đất anh hùng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cù lao Long Hựu anh dũng chiến đấu bảo vệ địa phương, góp phần viết nên truyền thống của quê hương Cần Đước anh hùng.

Người dân xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước) phấn khởi trước sự chuyển mình của xã, nổi bật là hạ tầng giao thông

Phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, sau ngày giải phóng, 2 xã cù lao nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trước đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa khô. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà các trạm cấp nước được xây dựng. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Anh (ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông) bày tỏ: “Mấy năm gần đây, xã có bước chuyển mình, nổi bật là hạ tầng giao thông. Đường sá được nâng cấp, đi lại dễ dàng, ai nấy đều rất phấn khởi. Chúng tôi mong muốn trong tương lai gần, xã tiếp tục phát triển hơn nữa. Không chỉ phát triển kinh tế mà chính quyền cần chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân để luôn là nơi “đất lành chim đậu”".

Trường học được đầu tư xây dựng khang trang (Trong ảnh: Trường Tiểu học Long Hựu Tây, huyện Cần Đước)

Dù còn không ít khó khăn, song điều dễ dàng nhận thấy khi đến xã Long Hựu Tây hôm nay là kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện. Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Nguyễn Tuấn Nhã thông tin: “So với trước đây, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân thay đổi đáng kể. 100% đường trục xã, trục ấp được nhựa hóa, bêtông hóa. Các tuyến đê bao như đê sông Vàm Cỏ, đê Long Hựu Đông - Long Hựu Tây và đê Long Hưng thường xuyên được nâng cấp đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, xả phèn và phòng, chống triều cường dâng cao. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2021. Đây là niềm vui, động lực để địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt”.

Trải qua 48 năm từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các địa phương trong tỉnh luôn chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sự “thay da, đổi thịt” trên vùng đất ghi dấu nhiều chiến công hiển hách chính là minh chứng cho sự phát triển của các vùng quê giàu truyền thống cách mạng./.

(còn tiếp)

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết