Tiếng Việt | English

24/05/2023 - 15:05

Làng quê xưa thu nhỏ của thầy giáo tiểu học

Từ nhà sàn mộc mạc miệt sông nước miền Tây, nhà gạch Bắc bộ
cổ kính đến xuồng ba lá, ghe, tàu được thầy giáo Nguyễn Thanh
An Khương tái hiện bằng những thứ tưởng chừng bỏ đi như que kem, giấy carton, mốp cứng lẫn đất sét,...

Hơn 1 năm nay, căn nhà cũ nép mình dưới tán hoa giấy đỏ rực của anh An Khương (36 tuổi, ngụ ấp 1, xã Long An, Cần Giuộc, tỉnh Long An) là nơi khơi gợi lại ký ức tuổi thơ của nhiều người. Băng qua một khoảng sân nhỏ là đến phòng khách, nhà kho, nhà bếp, dọc bờ tường góc nào cũng thấy những căn nhà mô hình nhỏ xinh nhiều màu sắc được bày trên những chiếc bàn gỗ hoặc gác trên hồ nuôi cá cảnh.

Không chỉ kinh doanh, anh Nguyễn Thanh An Khương còn đưa mô hình vào những bài học, giúp học sinh có thể hình dung được làng quê xưa

Những căn nhà sàn, cây xăng đậm chất miền Tây xưa được mô phỏng với độ sắc nét cao. Từ những chi tiết nhỏ như trụ điện gỗ, mái tôn gỉ sét, biển hiệu những tiệm buôn xưa, bàn ăn, lu nước đến chiếc đồng hồ, cuốn lịch, đàn vịt, chú mèo đều rất sống động. Những căn nhà ngói đỏ ba gian miền Bắc với rêu phong phủ kín, khoảng sân gạch, cây rơm được tác giả cấy thêm bụi cây làm từ những chiếc ly nhựa dùng một lần hoặc bonsai thật như lộc vừng, cần thăng.

Anh An Khương chia sẻ, từ nhỏ đã đam mê hội họa, lớn lên, anh học sư phạm chuyên ngành Mỹ thuật, sau đó về dạy tại Trường Tiểu học Long Phụng ở gần nhà. Ngoài dạy học ở trường và chăm sóc 2 người con gái, do đam mê cá cảnh nên những khi rảnh, anh đều dành thời gian làm hồ nuôi. Ban đầu, anh An Khương chỉ làm các mô hình để trang trí phía trên hồ cá cho đẹp, về sau, anh bắt đầu thích thú với nghệ thuật làm mô hình nên lên mạng tìm hiểu, học hỏi từ những đàn anh. Que kem, giấy carton, mốp cứng lẫn đất sét đều được thầy giáo tận dụng để làm mô hình, vì chúng thường rẻ và dễ chế tác.

Theo anh Nguyễn Thanh An Khương, để tạo nên một mô hình phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ

“Nhà có con gái nhỏ nên khi mới bắt đầu làm mô hình, bé tưởng là đồ chơi, ráp xong cái nào chưa kịp dọn thì lát sau phát hiện bị con tháo ra hết” - anh An Khương tươi cười kể. Anh cũng cho biết, khó nhất trong nghệ thuật chế tác mô hình là phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bởi mọi thứ đều nhỏ xíu nằm trong lòng bàn tay. Trước khi thực hiện một mô hình, anh An Khương thường hình dung trong đầu, sau đó vẽ phác thảo các chi tiết rồi cắt rời, dùng keo và ốc vít ghép lại, tô màu, phủ sơn bảo vệ, gắn bóng đèn để ban đêm có thể chiếu sáng. Từ vài mô hình để trưng bày, sau đó bạn bè đến chơi thấy đẹp đặt làm, sau 1 năm, anh đã thực hiện gần 50 mô hình lớn, nhỏ khác nhau. Tùy theo kích thước, độ chi tiết, 1 mô hình mất từ 4-6 ngày để hoàn thành, có giá từ 1-2 triệu đồng. Những căn nhà sàn bằng que kem có độ bền từ 2-3 năm, còn mốp cứng có thể chịu được nắng, mưa đến 4-5 năm. Điểm đặc biệt là các mô hình đều có thể tháo rời, dễ dàng vệ sinh, sau đó lắp ráp trở lại.

“Những em nhỏ bây giờ không có điều kiện biết đến làng quê xưa nên ngoài kinh doanh, tôi còn mang mô hình vào lớp trưng bày để giúp các em hình dung dễ hơn” - thầy giáo An Khương nói./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết