Tiếng Việt | English

10/09/2023 - 19:38

Long An: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thực hiện Kế hoạch 2527/KH-UBND ngày 6 tháng 9 năm 2023, UBND tỉnh sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông với chủ đề: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng Văn hóa giao thông an toàn”.

Công trình nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62, TP.Tân An, tỉnh Long An hoàn thành góp phần bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, tạo vẻ mỹ quan cho TP.Tân An

Kế hoạch của UBND tỉnh xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; phân công, phân cấp cụ thể, xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông bảo đảm thống nhất, thông suốt, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung huy động mọi nguồn nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn cụ thể; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đó là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu các sở, ngành tỉnh và địa phương, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông. Công tác xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chủ động phê phán, đấu tranh với các vi phạm pháp luật giao thông. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm (đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh 830E, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh,...). Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; không đưa vào sử dụng các công trình giao thông khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết