Trong khi phía Việt Nam chủ trương thi hành nghiêm các điều khoản của HĐ thì chính quyền Sài Gòn (có sự hậu thuẫn từ Mỹ) đã không tán thành và bộc lộ dã tâm phá hoại HĐ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Không nhường một tấc đất cho cộng sản” được cụ thể hóa bằng kế hoạch “Hùng Vương” và tiến công quân sự ngay khi HĐ Paris có hiệu lực (8 giờ ngày 28/01/1973) nhằm “tiếp tục hành quân truy lùng, tiêu diệt, nới rộng phạm vi kiểm soát… tiến công mọi mặt để tràn ngập lãnh thổ, giữ đất, giữ dân…”.
Tình hình thực hiện HĐ trên địa bàn Long An diễn biến ngày càng phức tạp. Quân địch công khai mở các các cuộc hành quân lớn và tổ chức đánh phá và chiếm đóng các vùng giải phóng của ta. Sau 4 tháng thi hành HĐ, địch đã đóng thêm được 32 đồn, lấn vào vùng giải phóng của ta, bắt được 5.000 lính mới, đôn quân được thêm 9 tiểu đoàn địa phương, lập được 98 phân chi khu trên phạm vi toàn Long An và Kiến Tường. Đây cũng là tình trạng chung, phổ biến của các địa phương ở Nam bộ.
Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã đề ra Nghị quyết, khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”. Tháng 8/1973, có sự điều chỉnh về tổ chức chiến trường, tỉnh Long An được đưa về Khu 8, Đảng bộ Long An trực thuộc Khu ủy Khu 8. Đây là điều kiện thuận lợi giúp tỉnh Long An và tỉnh Kiến Tường, Mỹ Tho trong phối hợp tác chiến theo chỉ đạo của Quân ủy Khu 8.
Tiếp thu tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 21, tháng 11/1973, Hội nghị Tỉnh ủy Long An đã đề ra Nghị quyết: “Quán triệt và xuyên suốt quan điểm bạo lực cách mạng, đánh địch trên cả 3 mặt trận, tập trung xây dựng 3 thứ quân để đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch…”. Tháng 12/1973, Tỉnh ủy Kiến Tường họp quán triệt và đề ra Nghị quyết, nhiệm vụ tương đồng với nhiệm vụ của tỉnh Long An, bổ sung thêm nhiệm vụ mới là tiêu diệt các chốt ngăn chặn của địch trên tuyến hành lang, bảo đảm hành lang thông suốt.
Trên cơ sở những diễn biến tích cực cả về nhận thức và về tình hình chiến sự của miền Nam, bước sang năm 1974, chiến trường Nam bộ và Khu 8 (trong đó có Long An, Kiến Tường) đã có đà phát triển mạnh mẽ. Ở phía Bắc Long An, ta tập trung các tiểu đoàn, đại đội đặc công kết lợp lực lượng địa phương hoạt động trên một vùng rộng lớn bao gồm cả 4 huyện (Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa), nhiều đồn địch bị tấn công, hàng chục tàu chiến bị chìm. Đến cuối năm 1974, mức độ làm chủ của ta đã tăng lên rõ rệt, quân địch mất quyền kiểm soát từ 16 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau trên hầu hết vùng nông thôn. Ở phía Nam, Tiểu đoàn 45 và Đại đội 25 đặc công kết hợp bộ đội địa phương chiến đấu ngăn chặn địch lấn chiếm khu vực hạ Châu Thành, tấn công các đồn bót, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng.
Trên chiến trường Kiến Tường, Sư đoàn 5 chủ lực Miền, Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 Quân khu 8 cùng quân, dân Kiến Tường đã đánh hơn 800 trận, loại khỏi vòng chiến hơn 7.000 tên. Đến cuối năm 1974, Kiến Tường đã căn bản ngăn chặn được các mũi lấn chiếm của địch, giữ và mở được vùng giải phóng; Vùng 4 cơ bản ta đã lấy lại được; Vùng 6, Vùng 8, ta làm chủ nhiều khu vực trọng yếu;... qua đó, tạo thế và lực mới để bước vào mùa khô 1974-1975 với nhiều quyết tâm chiến đấu cao.
Từ tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược giành thắng lợi quyết định trong vòng 2 năm 1975-1976. Thực hiện quyết tâm và kế hoạch trên, ở Nam bộ, ta bắt đầu tấn công địch từ mùa khô 1974-1975 trên các khu vực trọng điểm như đường 11 - Phước Long, giải phóng hoàn tỉnh tỉnh Phước Long; khu vực Bắc Tây Ninh, khu vực trọng điểm Vĩnh Long - Trà Vinh - Bến Tre. Sự kiện giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long như một đòn trinh sát chiến lược của quân, dân ta, mở ra một khả năng tổ chức chiến dịch lớn, quy mô hơn, giải phóng những vùng rộng lớn hơn trên chiến trường miền Nam.
Trước động lực đó, Tỉnh ủy Long An chủ trương tranh thủ thời cơ và tận dụng tình thế khi địch bị căng kéo trên khắp các chiến trường, động viên quân và dân Long An ra sức tấn công mở rộng vùng giải phóng, đồng thời khai thông được hành lang nối liền 2 vùng Nam - Bắc của tỉnh.
Tháng 01/1975, chiến dịch Nam Tây Nguyên (Buôn Mê Thuột) giành thắng lợi to lớn, mở đầu cho cuộc tổng tiến công chiến lược của ta và sự sụp đổ dây chuyền, sụp đổ về mặt chiến lược của chế độ Sài Gòn. Nắm bắt được thời cơ đó, ta nhanh chóng mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đập tan Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 của địch, mở ra thời cơ đánh chiếm TP.Sài Gòn, thành lũy cuối cùng của địch.
Trên cơ sở tình hình diễn biến nhanh và thuận lợi, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa khô 1975. Kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn hình thành từ 5 hướng. Địa bàn Long An nằm trong không gian của chiến dịch bao gồm 2 hướng tấn công từ phía Nam và phía Tây của chiến dịch. Các hướng Bắc, Tây Bắc và Đông do binh đoàn chủ lực của Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm, hướng Tây do lực lượng chủ lực Miền đảm nhiệm, hướng Nam được giao cho lực lượng Quân khu 8, trong đó Long An tham gia trực tiếp là 2 tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 45) và 2 đại đội đặc công. Tham gia chiến dịch, Đảng bộ Long An có 3 nhiệm vụ chính: Một là phục vụ chiến đấu cho các đơn vị chủ lực trên hướng Tây và Nam Sài Gòn. Hai là tự giải phóng những khu vực còn lại trong tỉnh. Ba là đưa lực lượng trực tiếp tham gia chiến địch tấn công Sài Gòn. Tại Kiến Tường, Thường vụ Khu ủy Khu 8 đã chỉ thị cho Kiến Tường theo dõi thật sát tình hình để phối hợp Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổ chức lực lượng công kích nổi dậy giải phóng tỉnh với tinh thần “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.
Trên chiến trường Long An, các huyện phía Bắc nhiệm vụ chính của các đảng bộ là huy động tối đa lực lượng vũ trang (LLVT) tại chỗ và nhân dân phục vụ chiến đấu cho lực lượng rất lớn của cấp trên theo chỉ đạo. Do có sự lãnh đạo gấp rút và chuẩn bị chu đáo nên các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa đã bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực cho lực lượng chiến đấu trên địa bàn. Ngoài ra, còn có hàng trăm lượt người đi dân công vận chuyển các vật liệu làm công sự chiến đấu, bắc cầu, làm đường, phục vụ phương tiện cơ giới hạng nặng qua sông Vàm Cỏ Đông. LLVT địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đường cho các đơn vị chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quân sự lớn như Quéo Ba, Hậu Nghĩa, đồng thời phối hợp tiến đánh tiêu diệt các đồn, bót nhỏ, tự giải phóng các khu vực còn lại của địa phương.
Tại các huyện phía Nam Long An, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng bộ là lãnh đạo, chỉ huy lực lượng của tỉnh trực tiếp tham gia tấn công Sài Gòn. Nhiệm vụ cụ thể của 2 tiểu đoàn Long An là chiến đấu mở đường, tạo bàn đạp tấn công cho 2 trung đoàn chủ lực của Khu 8 và đánh chiếm một số mục tiêu chiến lược trong thành phố. Từ đầu tháng 01/1975, 2 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội đặc công của Long An dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân khu 8 đã chiến đấu mở đường từ Châu Thành, mỗi ngày đêm, lực lượng này đã bao vây tấn công, bức rút, bức hàng và tiêu diệt từ 3-5 đồn, bót địch, giải phóng từ 1-2 xã, tạo bàn đạp tấn công cho Trung đoàn của Khu 8.
Chiến dịch tấn công Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 14/4/1975, đây là thời điểm 2 tiểu đoàn của Long An đã tổ chức đánh những trận đánh táo bạo giữa ban ngày ở khu vực Rạch Kiến, đập tan sự phản kích của nhiều đơn vị địch và cùng với các đơn vị cấp trên nhanh chóng tiến vào thành phố, đánh chiếm 1 trong 5 mục tiêu chiến lược quan trọng nhất là Tổng nha Cảnh sát ngụy (các mục tiêu còn lại: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất và Biệt khu Thủ đô); quận 4, Quân cảng Nhà Bè;... các đơn vị này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng Sài Gòn. Cùng lúc với lực lượng tham gia chiến dịch đánh vào Sài Gòn, Đảng bộ Long An đã lãnh đạo LLVT và nhân dân địa phương quyết tâm tự giải phóng. Ở Châu Thành, ngoài nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các đồn, bót khu vực nông thôn, huyện còn chủ động tập trung lực lượng kịp thời tiếp quản thị xã Tân An cùng với lực lượng của khu và tỉnh. Ở Cần Đước, lực lượng tấn công tiêu diệt căn cứ Rạch Kiến và thị trấn Cần Đước, tự giải phóng mình cùng với giải phóng Sài Gòn. Ở Cần Giuộc, lực lượng ta cũng bao vây tấn công địch, buộc chúng đầu hàng. Trưa ngày 30/4/1975, chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì ngụy quân, ngụy quyền ở Long An cũng hoàn toàn tan rã. Đảng bộ Long An chính thức hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.
Tại Kiến Tường, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các lực lượng địa phương trong tỉnh đồng loạt tấn công địch vào đêm 29/4/1975. Lúc này, địch vẫn duy trì lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, 2 sư đoàn thiết giáp nhằm làm lá chắn giữ thị xã Mộc Hóa và các điểm then chốt. Nắm thời cơ, ta đã chiếm Cứ điểm 75 (Vùng 6), Tiểu đoàn 504 đánh chiếm lộ 26 (Tân Hòa), nhận lệnh tiến quân về giải phóng thị xã Mộc Hóa, đã phối hợp LLVT Vùng 4 bức hàng địch ở cứ điểm Kinh Quận, đồn Bắc Hòa, tiến sát thị xã, kêu gọi Tỉnh trưởng Kiến Tường đầu hàng. Ngay khi Tổng thống ngụy quyền - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tỉnh trưởng Kiến Tường chấp nhận đầu hàng và thông báo cho các lực lượng, các đơn vị thuộc quyền hạ vũ khí đầu hàng. Tỉnh Kiến Tường hoàn toàn giải phóng vào ngày 01/5/1975.
Từ sau năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô và là căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á. Địa bàn tỉnh Long An là dải đất rộng chạy suốt từ hành lang biên giới vùng căn cứ Đồng Tháp Mười kéo dài đến phía Tây và Nam như vành đai ven đô, là bàn đạp tấn công Sài Gòn nên có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với cả 2 bên. Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng: “Ai khống chế được tỉnh Long An, người đó ở thế thượng phong”. Do đó, chiến trường Long An thường xuyên căng thẳng và ác liệt. Nhìn lại 21 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, những đóng góp và vai trò của Long An đối với cách mạng Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Một là địa bàn căng kéo lực lượng địch cho chiến trường miền Nam. Long An là địa bàn luôn được địch tập trung lực lượng với mật độ đông đảo. Tuy nhiên, lực lượng đó đã bị Long An cầm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Chiến trường Long An đã thu hút, căng kéo, phân tán lực lượng địch đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực khác của chiến trường Nam bộ.
Hai là tạo bàn đạp và trực tiếp tiến công Sài Gòn. Do vị trí mang tính chất vùng ven nên Long An được giao nhiệm vụ làm bàn đạp tấn công Sài Gòn. Đảng bộ, LLVT Long An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đóng góp vào thành công của cách mạng Việt Nam qua 2 chiến dịch quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ba là giữ vững hành lang chiến lược. Vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn thuộc tỉnh Long An có vị trí hành lang vận chuyển chiến lược và cơ động rất quan trọng nối liền vùng căn cứ, hậu phương chiến lược ở khu vực biên giới với chiến trường Khu 8 và Khu 9. Nhận thức được điều đó, dù địch liên tục bắn phá nhưng Long An vẫn hoàn thành nhiệm vụ đưa vũ khí và lực lượng xuống chiến trường.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh ủy Long An, 1989, Địa chí Long An - NXB Long An, NXB Xã Hội,
2. Tỉnh ủy Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), NXB Chính trị Quốc gia,
3. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, 2015, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia,
4. Thường vụ Tỉnh ủy Long An, 1993, Kiến Tường - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB Quân đội nhân dân,
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An, 2012, Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất tỉnh Long An (1930-2010), Cơ sở In số 7,
6. Ban Chấp hành huyện Đảng bộ Đức Hòa, 1996, Lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Hòa, Xí nghiệp In Phan Văn Mảng,
7. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bến Lức, 2000, Bến Lức - Lịch sử đấu tranh cách mạng (1930-1975), Xí nghiệp In Phan Văn Mảng.