Tiếng Việt | English

02/05/2022 - 14:40

Lưu giữ hương vị bánh tét Long An

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều lò bánh tét truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An vẫn luôn đỏ lửa. Đây không chỉ là nghề mưu sinh hàng ngày mà còn là cách lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của gia đình cho các thế hệ sau. Nếu có dịp đến Long An, đừng quên thưởng thức bánh tét truyền thống thơm ngon, đậm vị quê hương.

Nếu có dịp đến Long An, du khách đừng quên thưởng thức bánh tét truyền thống thơm ngon, đậm vị quê hương

Nếu có dịp đến Long An, du khách đừng quên thưởng thức bánh tét truyền thống thơm ngon, đậm vị quê hương

Nếp dẻo, nhân thơm

Bánh tét không chỉ là một món ăn của người dân Long An mà còn là món quà không thể thiếu của du khách khi ghé thăm nơi đây. Nhắc đến bánh tét thơm ngon ở Long An phải kể đến bánh tét Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa). Nếu có dịp dùng thử bánh tét Đức Hòa, sẽ khó thể quên được hương vị thơm ngon, độc đáo, bởi các nguyên liệu làm bánh được lựa chọn rất kỹ.

Nhân bánh tét cũng đa dạng để thực khách dễ dàng lựa chọn. Bên cạnh các loại bánh tét truyền thống có nhân mặn, ngọt, chuối, bánh tét chay, còn có bánh tét lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng); bánh tét ngũ sắc (nếp được nhuộm bằng màu xanh lá dứa, màu đỏ trái gấc, màu tím lá cẩm, màu vàng của đậu xanh và màu trắng của mỡ heo). Mỗi đòn bánh là cả sự kỳ công gói vào bao tâm tư, tình cảm của người làm.

Ngoài bánh tét Đức Hòa, tại ấp Vàm Thủ, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, có một làng bánh tét truyền thống ngon nức tiếng. Theo chia sẻ của những người thợ làm bánh ở vùng đất Vàm Thủ, ban đầu, bánh tét được gói cho các dịp lễ, tết, giỗ chạp. Sau này, làm bánh tét trở thành nghề tạo thu nhập chính của nhiều gia đình.

Bánh tét Thủ Thừa được lòng thực khách mấy chục năm nay cũng bởi độ dẻo của nếp, thơm ngon của nhân bánh cùng với sự khéo tay của người gói. Để có đòn bánh tét vừa đẹp, vừa ngon thì lá chuối dùng để gói bánh phải tươi xanh, lá to, không bị rách vụn. Dây lác dùng để buộc được chẻ vừa phải, không quá to cũng không quá nhuyễn. Đòn bánh tét phải gói ít nhất 3 lớp lá. Bên cạnh đó, người thợ phải buộc bánh phải chắc tay, mỗi nấc dây đều nhau để đòn bánh đẹp, dẻ và không bị bung ra trong lúc nấu. Đây cũng là bí quyết giúp bánh tét để được lâu hơn mà vẫn dẻo, thơm ngon.

Đậm vị quê nhà

Chia tay làng bánh tét Thủ Thừa, theo lời chỉ đường của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Năm (ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) - người phụ nữ có “thâm niên” với nghề làm bánh tét truyền thống. Ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa vườn cây thoáng mát. Vừa bước chân vào cổng, nghe thoang thoảng mùi thơm của nếp, đậu xanh, lá dứa, chúng tôi biết mình đã đến đúng nơi.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà Năm cùng các con, cháu chuẩn bị các nguyên, vật liệu để gói bánh. Đủ loại nhân đậu xanh, thịt mỡ, chuối được bày ra để phục vụ mẻ bánh mới. Vừa lau sạch mớ lá chuối còn xanh, bà Năm vừa chia sẻ với chúng tôi: “Nghề gói bánh tét này là do chị gái của tôi truyền lại đến nay đã 25 năm. Trong mấy chị em thì chỉ còn mình tôi theo nghề này. Ngày nào cũng gói bánh riết thành quen, nếu nghỉ ngày nào là buồn. Hiện hai con gái và đứa cháu cùng tôi gói bánh mỗi ngày. Ngày tết, khách đặt hàng nhiều thì con trai và các cháu tôi phải gói phụ mới kịp để giao bánh”.

Mỗi đòn bánh là cả sự kỳ công cùng tâm tư, tình cảm của người gói đặt vào

Mỗi đòn bánh là cả sự kỳ công cùng tâm tư, tình cảm của người gói đặt vào

Gia đình bà Năm gói bánh tét quanh năm và được người dân nơi đây khen nức nở nhờ tay nghề giỏi. Công thức và cách làm bánh được bà Năm duy trì suốt hàng chục năm nay nên đòn bánh rất bắt mắt, nhân đầy đặn, hương vị thơm ngon. Đều đặn mỗi ngày, hàng trăm đòn bánh tét lớn, nhỏ ra lò cung cấp cho các mối sỉ tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận.

Bên cạnh các loại nhân truyền thống như chuối, đậu ngọt, đậu mỡ được nhiều khách hàng yêu thích, bà Năm còn gói thêm nhân thập cẩm đặc biệt (thịt ba rọi, tôm khô, trứng muối) để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo tiết lộ của bà Năm, muốn bánh tét ngon, khâu lựa chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Nếp phải chọn loại mới, có mùi thơm nhẹ tự nhiên, hạt to, tròn, không bị vỡ vụn, màu trắng đục. Đặc biệt, cần trộn nước cốt dừa đúng tỷ lệ để hương vị thêm hấp dẫn. Bí quyết để giữ chân khách hàng suốt mấy chục năm nay có lẽ là hương vị bánh quê được nêm nếm kỹ càng.

Hơn 11 giờ, sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên, vật liệu, gia đình bà Năm bắt tay vào gói bánh. Mọi người vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả. Mỗi người một việc, làm theo kiểu dây chuyền. Vì có “thâm niên” với nghề nên ai ấy cũng làm rất nhanh và đều tay. Người gói bánh, người buộc dây; người nhóm lửa bắc nồi nước; người canh nấu bánh;...

Mỗi đòn bánh là cả sự kỳ công cùng tâm tư, tình cảm của người gói đặt vào

Mỗi đòn bánh là cả sự kỳ công cùng tâm tư, tình cảm của người gói đặt vào

“Bánh tét loại lớn có giá từ 20.000 đồng/đòn trở lên, tùy theo kích cỡ, yêu cầu của khách; bánh loại nhỏ có giá 60.000 đồng/10 đòn. Hiện giá cả các nguyên, vật liệu tăng cao nhưng tôi vẫn giữ giá bánh ổn định. Để tiết kiệm chi phí, một số lò bánh sử dụng dây nylon để buộc bánh tét. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nét truyền thống là buộc bằng dây lác dù giá cao hơn nhiều so với dây nylon để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường” - bà Năm cho biết thêm.

Không chỉ đơn thuần là món ăn, bánh tét còn mang đậm giá trị truyền thống. Gói bánh tét cũng là một trong những nét đẹp văn hóa, đặc trưng của người dân Nam bộ nói chung, người dân Long An nói riêng cần được bảo tồn và phát huy./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết