Tiếng Việt | English

30/04/2023 - 12:09

Một ngày thăm Dinh Độc Lập

Từ phòng Bốn phương vô sự ở tầng 3 Dinh Độc Lập nhìn ra cổng chính của dinh là đại lộ Lê Duẩn (trước đây có tên là đại lộ Thống Nhất). Ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng đã theo đại lộ này hất tung cổng chính và tiến vào dinh. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ Dinh Độc Lập. Sau 48 năm thống nhất đất nước, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi đến tham quan TP.HCM.

Dinh Độc Lập được xây dựng năm 1868, xây dựng lại năm 1962 và được bảo quản đến ngày nay

Điểm đến không thể bỏ qua

Chị Phan Thị Lệ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tự hào chia sẻ: “Chắc chắn người dân nào ở TP.HCM cũng đều biết đến Dinh Độc Lập. Tới thăm dinh, tôi như thấy quá khứ hào hùng của dân tộc. Từ khi còn là học sinh, tôi đã được đến đây tham quan. Giờ thì khoảng vài năm tôi lại đến một lần. Mỗi lần đi là một lần cảm thấy mình biết thêm, ghi nhớ thêm nhiều điều về lịch sử giải phóng miền Nam”. Trước đây, Dinh Độc Lập từng là dinh Thống đốc Nam kỳ, dinh Toàn quyền và dinh Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Sau năm 1954, Dinh trở thành nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nơi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam của dân và quân ta.

Dinh Độc Lập được xây dựng từ năm 1868 với tên gọi là dinh Norodom. Đến năm 1962, dinh được xây dựng lại do bị ném bom hư hại nặng. Công trình hoàn thành năm 1966 và hiện tại là Di tích Quốc gia đặc biệt, một điểm tham quan thu hút tại TP.HCM. Dinh Độc Lập có diện tích 450m2, cao 26m với 3 lầu và 1 tầng hầm, tổng cộng 95 phòng với diện tích sử dụng là 20.000m2, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế theo triết lý phương Đông với tổng thể dinh có hình chữ Cát (nghĩa là may mắn). Kiến trúc dinh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại với điểm nhấn là rèm đốt trúc ở chính diện, có tính thẩm mỹ cao và đón ánh sáng cho các phòng làm việc bên trong dinh.

Tầng hầm Dinh Độc Lập là điểm nhấn tham quan của Dinh

Dinh Độc Lập luôn là địa điểm được du khách trong và ngoài nước quan tâm. Vào tất cả các ngày trong tuần, lượng du khách đến tham quan dinh luôn đông đúc, hầu hết là du khách nước ngoài. Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, Ban Quản lý Dinh Độc Lập cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên cho khách đoàn và băng ghi âm hướng dẫn cho khách lẻ muốn được tham quan tự do. Toàn bộ công trình được gìn giữ cẩn thận từ kiến trúc chung đến nội thất, không gian bên trong và bắt đầu phục vụ khách tham quan từ năm 1990.

Du khách tham quan Dinh Độc Lập

Giá trị không thể phai mờ

Đến Dinh Độc Lập, du khách có thể cảm nhận một phần cuộc sống của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ thông qua các hiện vật được giữ nguyên vẹn. Lần lượt bước qua các khu vực: Phòng Nội các, phòng Đại yến, phòng Hội đồng, phòng Chiếu phim,... du khách như được ngược về quá khứ. Ý nghĩa lịch sử của từng căn phòng được giải thích cụ thể thông qua thuyết minh hướng dẫn giúp du khách hiểu rõ và cảm nhận cụ thể, đem đến trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc.

Một trong những điểm nhấn thú vị mà nhiều du khách quan tâm khi đến thăm Dinh Độc Lập là khu vực tầng hầm. Với thiết kế kiên cố, hệ thống thông tin liên lạc được trang bị đầy đủ, tầng hầm vốn là nơi tổng thống điều hành tác chiến, liên lạc trực tiếp đến Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tổng tham mưu, các tướng lĩnh,... Những hiện vật: Hệ thống thu phát thông tin, điện thoại, bản đồ các vùng chiến thuật, bản đồ vị trí quân giải phóng,... giúp du khách cảm nhận sâu sắc về một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam cũng như sự ác liệt trên chiến trường thời điểm đó.

Bức tường bọc thép dày kiên cố dưới lòng đất được thiết kế chịu sức công phá của bom 2 tấn chính là minh chứng cụ thể nhất về cuộc chiến mà Mỹ đã khởi nguồn tại Việt Nam. Đó là nơi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trú ẩn, triển khai các kế hoạch hoạt động quân sự. Tầng hầm cũng là nơi gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu trú ẩn khi Dinh Độc Lập bị ném bom vào năm 1975. Người anh hùng làm nên chiến công lịch sử ấy là Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động bí mật trong Không lực Việt Nam Cộng hòa.

Vị trí quả bom rơi tại sân đáp máy bay của Dinh Độc Lập

Để ghi nhớ chiến công ấy, tại sân đáp máy bay của Dinh Độc Lập có đánh dấu vị trí 2 quả bom rơi xuống cho du khách dễ hình dung. Ngoài ra, phía sân trước còn trưng bày 2 xe tăng đồng dạng với 2 xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử hào hùng.

Xe tăng đồng dạng với xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử được trưng bày trong khuôn viên Dinh

Rời khỏi không gian trang nghiêm, hoài cổ bên trong dinh, du khách đến ngay khu vườn dưới những tán cây cổ thụ. Cảnh quan xanh mát, đẹp mắt của Dinh Độc Lập vốn được xem là mảng xanh giữa lòng thành phố.

Đại lộ Lê Duẩn (trước đây là Đại lộ Thống Nhất, nơi xe tăng theo đó tiến vào Dinh vào ngày 30/4/1975)

Dinh Độc Lập ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị về cảnh quan, kiến trúc cũng như ý nghĩa to lớn về lịch sử. Dinh đã được gìn giữ như một chứng nhân cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta. Và ngày nay, bằng cách phát triển du lịch, Dinh Độc Lập lại hòa vào dòng phát triển của thành phố mang tên Bác./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết