Tiếng Việt | English

23/02/2023 - 09:41

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm

Để thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động (LĐ), đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo và đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 15-4-2021 thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.

Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao

Tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Toàn tỉnh có 25 cơ sở GDNN (3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm GDNN và 8 cơ sở, doanh nghiệp (DN) tham gia GDNN). Trong đó, Trường Cao đẳng Long An, Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã Miền Nam được đầu tư 7 nghề trọng điểm (2 nghề cấp quốc tế, 2 nghề cấp khu vực ASEAN và 3 nghề cấp quốc gia).

Giai đoạn 2016-2022 đã tuyển sinh, đào tạo 158.334/152.746 LĐ (bình quân tuyển sinh, đào tạo 22.600 LĐ/năm) đạt 103,66% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng 3.908 người (chiếm 2,47%), trung cấp 16.624 người (chiếm 10,50%), sơ cấp 43.450 người (chiếm 27,44%) và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 94.352 người (chiếm 59,59%). Cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư tăng cường từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm - An toàn LĐ giai đoạn 2016-2020; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định.

Chương trình, giáo trình thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất, chuyển đổi số trong GDNN được quan tâm triển khai nên chất lượng đào tạo được nâng lên. Trường Cao đẳng Long An đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định, hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trong việc đầu tư thiết bị, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghề Cơ điện tử theo chuẩn của Đức cho 148 học sinh, sinh viên để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Việc phối hợp DN tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được quan tâm đẩy mạnh nên có trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm, đặc biệt là các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Kết quả trên đã nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh năm 2022 đạt 73,35% (trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,07%), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh, để phát triển thị trường LĐ của tỉnh, hỗ trợ DN tuyển dụng LĐ, các cấp, các ngành trong tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu LĐ. Tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An phối hợp các sở, ngành liên quan tổng hợp, cập nhật hàng tuần nhu cầu đào tạo LĐ và nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên website của các sở, liên thông với Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng số Long An ID, tạo thuận lợi cho người dân, người LĐ tra cứu thông tin học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp. Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến để thu thập thông tin, tổng hợp nhu cầu đào tạo, tuyển dụng LĐ của DN, cập nhật trên website của Trung tâm, giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo LĐ của DN.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Cũng theo ông Nguyễn Đại Tánh, thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động tại các khu, cụm công nghiệp và địa phương; tham gia sàn giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thu thập thông tin, tổng hợp nhu cầu đào tạo, tuyển dụng LĐ của DN, cập nhật trên website của trung tâm nhằm giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo LĐ của DN.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã tư vấn nghề, việc làm cho 137.380 lượt người; giải quyết việc làm cho hơn 30.000 LĐ. Đặc biệt, đã đưa 462 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, chủ yếu là thị trường Nhật Bản (419 người), Đài Loan (37 người), còn lại là quốc gia khác. Việc đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2020-2025 là một trong những đề án hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu của đề án không chỉ giúp tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người LĐ mà khi người LĐ trở về nước sẽ có trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc hiện đại, tiên tiến. Và đây cũng là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Để thực hiện tốt đề án, tỉnh đã tìm kiếm, lựa chọn những DN uy tín, có chất lượng về đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Chất lượng đào tạo nghề ngày càng nâng cao

Phát huy kết quả đã đạt, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển GDNN, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đó là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; cung cấp thông tin, dữ liệu về tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở GDNN, về nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN cho các phương tiện truyền thông, các ứng dụng số, chú trọng việc triển khai trực tiếp đến các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN. Đầu tư Trường Cao đẳng Long An thành trường cao đẳng chất lượng cao.

Song song đó, tỉnh triển khai chính sách thu hút để tuyển dụng giáo viên; chọn cử giáo viên định kỳ đi thực tập ở DN để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng giảng dạy; rà soát cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh cũng thực hiện kiểm định chất lượng GDNN; chuyển đổi số, triển khai các hoạt động trong GDNN trên môi trường số; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường liên kết giữa các cơ sở GDNN trong tỉnh với DN, các cơ sở GDNN, các trường đại học trong nước và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DN, thị trường LĐ của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng trong công tác dự báo thông tin thị trường LĐ; phần mềm quản lý LĐ kết nối giữa người sử dụng LĐ, người LĐ với các cơ quan quản lý ở địa phương để kịp thời thông tin thị trường LĐ, nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN đến người dân nhanh chóng, kịp thời; tiếp tục tổ chức, khảo sát, thống kê cập nhật hàng tuần nhu cầu đào tạo LĐ và nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng số Long An ID để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người LĐ mất việc làm tra cứu thông tin, tìm kiếm việc.

Tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An để tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường LĐ cho người LĐ; nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm cố định và thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ người LĐ tìm việc làm phù hợp./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết