Tiếng Việt | English

07/10/2017 - 12:50

Nâng chất đội ngũ cán bộ chủ chốt hệ thống chính trị ở cơ sở - Nhiệm vụ trọng tâm

Phát huy tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; trong sự nghiệp đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An quyết tâm phát huy nội lực, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, góp phần quan trọng vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những giải pháp mà Long An thực hiện là nâng chất đội ngũ cán bộ (CB) chủ chốt hệ thống chính trị ở cơ sở thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng tác nghiệp.

Nỗ lực nâng chất các lớp bồi dưỡng chính trị

Sau ngày đất nước thống nhất, để hoàn thành vai trò, nhiệm vụ trong bối cảnh vừa nắm chính quyền, còn thiếu kinh nghiệm lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động, Đại hội Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 1977-1980) ra lời kêu gọi “Mỗi CB, đảng viên, mỗi cấp đảng bộ, mỗi đơn vị tổ chức của Đảng phải nhận rõ trách nhiệm và vinh dự của mình trong giai đoạn mới, phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết chặt chẽ, ra sức thi đua học tập và lao động, sản xuất... làm cho Long An ngày càng giàu mạnh và trưởng thành về mọi mặt”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I nhấn mạnh: “Kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp (đặc biệt là cấp huyện và cấp xã)”, “phải có một đội ngũ CB tương xứng cả về số lượng và chất lượng”, “việc bồi dưỡng, đào tạo CB là một trong những khâu công tác có tính chất quyết định của Đảng bộ”.

Tỉnh ủy Long An nêu cao phương châm xây dựng Đảng vững mạnh về cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức; vừa đào tạo CB qua thực tiễn công tác, vừa xúc tiến mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiên cứu nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị được tổ chức, thông qua các khóa bồi dưỡng và công tác thực tế, trình độ, năng lực CB hệ thống chính trị các cấp được nâng lên.

Đến giữa năm 1977, có gần 9.000 CB được đào tạo; cuối năm 1979, tăng lên 20.300 CB được đào tạo cho các ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Nhằm kiện toàn tổ chức Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (01/1980), Tỉnh ủy Long An ra Nghị quyết số 04 “Xây dựng xã vững mạnh về mọi mặt”. Tỉnh ủy chỉ đạo mở hàng chục lớp bồi dưỡng cho hàng trăm CB chủ chốt. Ban chỉ đạo học tập do Tỉnh ủy thành lập, bố trí CB tiến hành mở các lớp bồi dưỡng chính trị tại chỗ. Nội dung đào tạo khá phong phú: Nghiệp vụ về tài chính, thương nghiệp, thông tin văn hóa, pháp chế, tòa án, công an, quân sự,...

Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Thanh Hiểu

Kết quả bước đầu: Bộ máy cấp xã được tổ chức lại; CB chủ chốt được bố trí ổn định, nhiều công tác quan trọng được xã tự triển khai và chỉ đạo thực hiện. Tỉnh, huyện không còn phải đưa CB về làm thay như trước đây.

Thực hiện chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (03/1982): Cần mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, cải cách toàn diện công tác giáo dục lý luận chính trị trong các trường Đảng, Nhà nước và các đoàn thể về nội dung, phương pháp giảng dạy, về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo mở các lớp đào tạo theo chương trình cải tiến, chú trọng đào tạo các chức danh: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, các trưởng, phó phòng, ban, ngành cấp huyện và tương đương, bí thư đảng ủy các xí nghiệp quốc doanh, bệnh viện, trường học và các tổ chức cơ sở Đảng thuộc các ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị 74/CP, ngày 18/3/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc phát triển KT-XH của vùng Đồng Tháp Mười, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An quyết định thành lập Phân hiệu của Trường Đảng tỉnh đặt tại thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa nhằm đào tạo, bồi dưỡng CB thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An. Việc mở thêm Phân hiệu góp phần khắc phục sự chênh lệch về trình độ lý luận chính trị của đội ngũ CB giữa các huyện vùng này với các huyện khác của tỉnh. Đây là chủ trương đúng hướng, táo bạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, mang lại hiệu quả thiết thực của Tỉnh ủy Long An trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CB của tỉnh.

Góp phần vào chủ trương đổi mới của tỉnh

Sau hơn 10 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng cả nước tiến hành công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, Đảng bộ và nhân dân Long An đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế phát triển khá toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng và an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, Long An vẫn đứng trước hàng loạt khó khăn, thách thức. Nền kinh tế chưa ổn định; tiềm năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được khai thác tốt; lưu thông, phân phối còn nhiều vướng mắc; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế còn ở trình độ thấp: 30.000 người chưa có việc làm và trên 100.000 người không có việc làm ổn định. Nhân dân ở vùng nhiễm mặn, vùng sản xuất khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nhiều mặt; khoảng 10% số hộ thiếu ăn một vài tháng trong năm; một số CB, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu và nhiệt tình cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm, lo việc riêng nhiều hơn việc chung, an phận, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, không chịu học tập, rèn luyện.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - chủ trương đổi mới toàn diện, bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhận thức về lý luận Mác - Lênin, trong đó có tư duy nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (1986) nêu rõ: ‘’Đặc điểm bao trùm và quan trọng của thời gian trước mắt là: Trình độ lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhiều mặt còn non yếu, nhất là về lập trường quan điểm giai cấp công nhân trong đấu tranh cách mạng biểu hiện trong lãnh đạo KT-XH, bệnh quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, xa thực tế, xa quần chúng đã làm hạn chế sức mạnh của bộ máy chuyên chính vô sản các cấp trong tỉnh”.

Tỉnh ủy xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chất quyết định, là chìa khóa của thắng lợi theo đường lối đổi mới; quan tâm sâu sát công tác chính trị, tư tưởng; ban hành quy chế về công tác CB, chính sách bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng CB.

Tính đến cuối năm 1991, tỉnh đưa đi đào tạo, bồi dưỡng gần 12.000 CB và đề bạt hơn 900 CB giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, trong đó có 54 CB trưởng, phó các ngành trong tỉnh. Phần lớn số CB có sai lầm, khuyết điểm, năng lực hạn chế hoặc tuổi cao sức kém, không đảm đương nổi nhiệm vụ đều được thay đổi.

Tuy vậy, công tác CB ở Long An lúc này vẫn còn khó khăn; thiếu CB lãnh đạo, quản lý và thực hành giỏi; một số ngành, địa phương không bố trí được CB ngang tầm nhiệm vụ; việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CB còn bị động, chắp vá; phần lớn cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư các đảng bộ và tổ chức cơ sở Đảng, phải kiêm nhiệm nhiều công tác, làm ảnh hưởng đến công tác Đảng và trọng trách được phân công.

Đưa Long An phát triển nhanh, bền vững

Với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: Đảng phải xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc; phải tiếp tục đổi mới CB và công tác CB, xây dựng cho được đội ngũ CB vững mạnh và đồng bộ, bao gồm CB lãnh đạo chính trị, CB quản lý nhà nước, CB kinh doanh, chuyên gia trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, thực hiện được sự chuyển tiếp vững vàng các thế hệ CB.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V xác định: Sắp xếp lại, kiện toàn các trường đào tạo, bồi dưỡng CB của tỉnh theo hướng tinh gọn, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Năm 1993, Tỉnh ủy Long An đồng ý cho Trường Đảng tỉnh (Trường Chính trị tỉnh sau này) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Thực trạng cơ cấu, năng lực và hoạt động của bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ở tỉnh Long An.

Kết quả nghiệm thu của đề tài tác động quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở; bước đầu nâng chất lượng đội ngũ CB cấp xã về mọi mặt: Chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống, kiến thức, trình độ năng lực để thực thi nhiệm vụ theo đúng pháp luật và phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, với Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn: Xây dựng đội ngũ CB ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng; trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với CB cơ sở,...

Tỉnh ủy Long An quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc việc đào tạo, bồi dưỡng các chức danh CB, công chức, chuẩn hóa đội ngũ CB, công chức cấp xã; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp cho CB chủ chốt hệ thống chính trị cấp xã; giao nhiệm vụ cho Trường Chính trị tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu tổng kết các đầu công việc cơ bản, trọng tâm của CB chủ chốt cấp xã; xây dựng chương trình bồi dưỡng mang tính tác nghiệp.

Theo đó, Trường Chính trị tiến hành thực hiện nghiên cứu hàng loạt đề tài khoa học cấp tỉnh: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp cho CB chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã: Bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch UBMTTQ, chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, bí thư Đoàn Thanh niên; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp cho chủ tịch Công đoàn cấp xã, chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp ngoài nhà nước, bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Đảng ủy khối Các cơ quan cấp tỉnh và Đảng ủy khối Doanh nghiệp; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp cho CB phụ trách khối vận cấp xã.

Các bộ tài liệu bồi dưỡng tác nghiệp này thực sự phát huy tác dụng, giúp người học nắm được những công việc cụ thể, cách thức thực hiện các đầu việc của chức danh đang đảm nhận; tự tin nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu học tập, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện trình độ, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Hiện tại, các bộ tài liệu bồi dưỡng cho các chức danh trong hệ thống chính trị cấp xã vẫn được bổ sung, sử dụng cho giảng dạy, học tập tại Trường Chính trị Long An.

Gần đây nhất, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI của Đảng: Kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy nhà nước trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh; tách cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp,... Kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế một cách cơ bản,... Nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ CB, công chức, chú trọng đội ngũ CB xã, phường” và quan điểm chỉ đạo của Đại hội XII của Đảng: Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, công chức. Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 13/6/2016 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An.

Năm 2017, Hội đồng khoa học tỉnh xem xét và cho Trường Chính trị tỉnh thực hiện đề tài “Các giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND cấp xã tại tỉnh Long An”. Với đề tài này, sẽ giúp Tỉnh ủy có cơ sở lý luận, thực tiễn, lãnh đạo cụ thể hóa bảo đảm yêu cầu, chất lượng, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Tóm lại, chủ trương của Tỉnh ủy về việc nâng chất đội ngũ CB chủ chốt hệ thống chính trị cơ sở thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng tác nghiệp là hướng đi đúng, góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng đội ngũ CB, công chức cấp xã vững vàng về chính trị, có đạo đức, lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi vai trò, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Những con số đạt đến cuối năm 2016: Tổng số thu ngân sách năm 8.633 tỉ đồng (cộng cả nguồn thu từ xổ số kiến thiết), cao hơn năm 2015 khoảng 626 tỉ đồng - đứng thứ 2 khu vực Tây Nam bộ (sau TP.Cần Thơ); thu nhập bình quân đầu người 56 triệu đồng/năm; dự toán ngân sách Trung ương giao năm 2017 là 11.550 tỉ đồng - đứng đầu khu vực; dự kiến đến năm 2018, tỉnh sẽ tự chủ ngân sách và điều tiết cho Trung ương,... minh chứng quyết tâm chính trị của Long An trong phát huy nội lực, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; khẳng định vị thế vào sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy những thành tựu qua hơn 30 năm đổi mới, Long An nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục nâng chất đội ngũ CB chủ chốt hệ thống chính trị ở cơ sở thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng tác nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đưa Long An phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới./.

Nguyễn Thị Hiền (Trường Chính trị tỉnh Long An)

Chia sẻ bài viết