Tiếng Việt | English

25/07/2015 - 04:38

Ngày về

Sự xuất hiện của người đàn bà áo nâu giữa vùng quê nghèo làm mọi người thắc mắc. Thắc mắc cũng phải thôi vì cái ấp heo hút giáp biên giới Campuchia này chỉ lèo tèo chưa đến chục cái nóc nhà, người dân trong ấp biết rõ mặt nhau và xem nhau như người một nhà, thế nên sự xuất hiện của bà gây tò mò. Bà dựng tạm cái chòi lá phía sau bãi đất trống của UBND xã. Khu đất bị bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm.

Đám con nít trong xóm kể nhau nghe về chuyện từng gặp ma trong bãi đất hoang. Chuyện con nít mà nghe cũng rờn rợn người. Những người lớn tuổi trong xóm kể lại rằng khu đất trống trước kia là một cái vũng đầy năn, lác, chiến sĩ mình ngày ấy hay chọn nơi đây làm nơi trú ẩn bởi nó hoang vắng, um tùm dễ hoạt động bí mật. Rồi không may, trong một trận quân Mỹ thả bom, hơn chục chiến sĩ hy sinh, số còn lại phải rút vào trong bưng biền.

Từ câu chuyện đó, bọn con nít dựng nên những chuyện ma khi thì nghe tiếng hú, tiếng rên rỉ, lúc lại thấy ánh lửa lập lòe. Chưa ai thấy, vậy mà ai cũng tin, rồi truyền miệng nhau, từ đó, khu đất càng trở nên hoang vắng hơn. Thế mà người đàn bà áo nâu dám vào nơi ấy, dựng cái chòi nhỏ ở một mình. Mà không, bên cạnh bà lúc nào cũng có con chó mực. Lúc nào bà bận đi công việc thì con chó giữ chòi. Nó khôn lắm, đố ai vào được chòi nó khi chủ đi vắng.

Người đàn bà có ánh nhìn buồn, buồn lắm. Mỗi chiều, cái dáng khắc khổ ấy lại ra mép sông nhìn xa xôi về một nơi nào đó, não lòng. Con mực kế bên lại rên lên hử…hử… nghe càng thê lương. Từ khi người đàn bà ấy về sống, khu đất hoang như trở mình. Cái đám lau, sậy dần dần được thay bằng những giàn mướp xanh mướt, những luống khoai màu mỡ. Bà trồng nhiều lắm, nào bầu, nào mướp, nào rau cải rồi thường đem cho bọn con nít. Nuôi được con gà, con vịt, khi lớn lớn bà cũng cho tụi nhỏ về nấu cháo. Những buổi tối trăng tròn, có lúc bà nấu cả nồi cháo to tướng rồi kêu tụi nó tới, đứa nào cũng hít hà khen ngon,…

Bà vẫn lặng lẽ đi về, vẫn cúi đầu chào những người trong xóm và nở nụ cười buồn. Không ai biết gì về bà, chỉ đám con nít là hay qua chòi của bà hái bầu, hái mướp. Ban đầu, vài người lớn tuổi trong xóm lo bà bắt cóc trẻ con vì thấy bà chỉ thân thiện với tụi nhỏ, nhưng thấy chính quyền cho mượn đất, bà lại hay ra vô đồn biên phòng nên mọi người cũng yên tâm. Nếu là người xấu sao lại thân thiết với bộ đội mình, sao chính quyền lại tin tưởng cho tá túc? Nghe tụi nhỏ kể lại trong chòi của bà chỉ có cái giường, cái bàn cũ mượn đỡ trên đồn, vài ba cái chén, cái nồi. Đáng giá nhất chắc chỉ là 2 cái hộp gỗ để trên bàn được cẩn xà cừ rất đẹp.

Nhiều lần, tụi nhỏ sờ vào 2 cái hộp nhưng bà không cho, làm tụi nó càng thêm tò mò. Câu chuyện về 2 cái hộp cứ lan dần, nhiều người đoán trong đó có vàng hay thứ gì quý giá lắm bà mới giữ kỹ như vậy. Rồi một tối, có tên trộm lẻn vào định lấy 2 cái hộp nhưng bị bà khống chế. Nó đâu biết bà giỏi võ như vậy, không biết bà nói gì mà tên trộm sụt sùi, rồi bà cũng tha, không dẫn nó vào đồn cũng không làm khó gì nó. Tờ mờ sáng, bà thả nó về còn cho thêm chục trái mướp và mớ rau,…

Cuộc sống của người đàn bà bí ẩn luôn là những dấu chấm hỏi của những người nơi đây. Lâu ngày cũng mến tay, mến chân, có bữa 2-3 ngày không thấy bà về, mấy chị trong xóm lại dắt con qua xem sao, thấy mấy đứa nhỏ, con mực lại ử…ử… ngoắc đuôi. Nó quen rồi, giờ tụi nhỏ có qua hái rau nó cũng không sủa. Còn người đàn bà áo nâu lại đi vài ba ngày, lại về rồi lại đi, có người thấy bà qua bên kia cửa khẩu, bà đi buôn lậu hay làm việc bất chính? Mà làm việc bất chính thì chính quyền xã và đồn phải biết chứ?

Bà lại đi, lần này bà đi biền biệt nửa tháng trời, tụi nhỏ thương con mực, ngày nào cũng đem cơm qua cho nó. Cứ mỗi chiều, con mực lại ra bờ sông ngóng chủ, nó sợ chủ nó đi, đi mãi, đi mãi,…

Rồi bà cũng trở về, đôi mắt đỏ hoe nhưng gương mặt lại tràn đầy hạnh phúc. Bà trở về, không phải một mình mà đi cùng Đội K73 - đội quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia. Ngày làm lễ đón nhận hài cốt, bà như lịm đi, lịm đi trong niềm hạnh phúc. Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu năm tìm kiếm, cuối cùng bà cũng tìm thấy ông-người chồng đã hy sinh khi làm nhiệm vụ thiêng liêng trên đất bạn.

Ông bà cưới nhau chưa được bao lâu thì ông đã lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Những ngày về phép của ông, 2 đứa con lần lượt ra đời nhưng oan trái thay, chúng không được khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác vì di chứng chiến tranh. Rồi 2 đứa cũng ra đi khi cha nó chưa kịp về thăm, nhìn mặt nó. Sau bao nhiêu tháng vò võ đợi chờ, cuối cùng bà lại nhận được tin ông hy sinh trên chiến trường Campuchia ác liệt. Nỗi đau không thể thốt thành lời mà lắng sâu vào đôi mắt và vóc dáng khắc khổ của bà.

Từ giã vị muối mặn của vùng quê biển thân thương, hơn 20 năm trời bà ròng rã tìm ông. Tỉnh nào có đường biên giới giáp Campuchia bà lại tìm đến kết hợp cùng bộ đội biên phòng và người dân nước bạn mong tìm được tin tức về ông. Hơn 20 năm, dấu chân bà mòn mỏi trên đường biên. Hành trang bà mang theo bên mình là 2 chiếc hộp quý báu, 2 chiếc hộp đựng tro cốt của 2 đứa con thân yêu.

Ngày cưới bà, ông tặng 2 chiếc hộp được cẩn xà cừ tỉ mỉ.Đó là món quà ông dành tặng bà từ những năm tháng đi biển. Vùng biển mặn quê nhà mang đến cho người dân biết bao nguồn lợi, trong đó có những vỏ ốc long lanh, và cứ mỗi lần bắt được ốc đẹp ông lại cẩn thận tách lớp xà cừ và khéo léo tạo hoa văn đính lên chiếc hộp gỗ. Ông thường bảo bà sau này có con sẽ tặng mỗi đứa một chiếc hộp như tặng cả tấm chân tình của người cha, người mẹ. Và để thực hiện mong ước của ông, bà đã để 2 con vào trong đó và luôn đi cùng bà trên bước đường tìm ông.

Chiếc xe của bộ đội biên phòng cùng các các chiến sĩ chuẩn bị lăn bánh đưa gia đình bà trở về miền biển thân thương. Bà nghẹn ngào ôm chặt từng người trong cái ấp nhỏ bé nơi biên giới rồi hôn từng đứa trẻ. Bà vẫn vậy, vẫn ánh mắt buồn thăm thẳm, vẫn dáng người khắc khổ và vẫn kiệm lời,… Xe lăn bánh, những đôi bàn tay vẫy vẫy nhau hòa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Họ khóc vì mừng cho gia đình bà đã tìm về bên nhau, dẫu rằng sự đoàn tụ ấy không trọn vẹn./.

Tuyết Nhi

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ngày về