Tiếng Việt | English

19/09/2019 - 16:34

Nghề chạm khắc gỗ - Nét văn hóa của người Cần Đước

Xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An là vùng đất ghi dấu sự ra đời của nghề chạm khắc gỗ với nhiều nghệ nhân tên tuổi như ông Đinh Công Trì, Đinh Công Tùng, Đinh Văn Năm,... Trong đó, nghệ nhân Đinh Văn Năm có nhiều tác phẩm độc đáo.

Anh Đinh Thành Tâm miệt mài sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật

Hiện nay, nhiều học trò của ông tiếp nối và phát huy nghề chạm khắc gỗ từng làm rạng danh vùng đất Cần Đước hơn 100 năm qua. Người con trai thứ hai của ông - anh Đinh Thành Tâm có trong tay tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh nhưng lại trở về địa phương, nối tiếp cha giữ gìn nghề truyền thống. Theo anh Đinh Thành Tâm, nét độc đáo của những người thợ ở Cần Đước là nghệ thuật chạm hai mặt - chạm lộng và chạm nổi. Nghệ thuật chạm của nghệ nhân Cần Đước còn thể hiện trong việc chọn đề tài, bố cục tác phẩm mộc mạc, gần gũi với người dân nông thôn như cảnh đồng quê với những cánh sen, hoa sen, con ếch, cua đồng,… Để tạo nên những tác phẩm, nghệ nhân ngày xưa thường dùng phương pháp soi kiếng, nghĩa là để vật mẫu phản chiếu qua gương soi, sau đó dùng giấy thấm dầu phác nét rồi áp lên gỗ để chạm. Còn anh Tâm áp dụng kiến thức toán học, tính toán, chia tỷ lệ trên gỗ phác nét và thực hiện tác phẩm chính xác, sinh động, mang nét riêng.

Hiện nay, những người thợ trẻ vẫn “chung thủy” với nghề để giữ lại một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tân Lân, Cần Đước./.

HKK 

Chia sẻ bài viết