Tiếng Việt | English

06/10/2023 - 10:39

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du...

Huế là nơi Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) có bước đột phá trong sự nghiệp. Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái khẳng định, Truyện Kiều đã được Đại thi hào Nguyễn Du viết tại Phú Xuân - Huế . Bên cạnh đó, sinh sống ở vùng đất Huế từ thuở niên thiếu, nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) cũng có sự đồng cảm sâu sắc với đại thi hào Nguyễn Du.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh của ông (Ảnh minh họa)

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh của ông (Ảnh minh họa)

Đại thi hào Nguyễn Du và tuyệt tác Truyện Kiều

Nguyễn Du tên tự Tố Như, SN 1765 tại Hà Tĩnh, mất năm 1820 tại Huế. Ông được biết đến là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam và Danh nhân văn hóa thế giới.

Từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (người Chiết Giang, thời nhà Minh), Đại thi hào Nguyễn Du đã xúc động viết nên Đoạn trường tân thanh (tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột). Tuy nhiên, dân gian vốn thích sự ngắn gọn để dễ nhớ nên gọi là Truyện Kiều.

Vì sao Đại thi hào Nguyễn Du đặt tên tác phẩm mình là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột? Đọc xong 3.254 câu trong Truyện Kiều, chúng ta nhận ra rằng, Đại thi hào Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân từ chữ Hán ra chữ Nôm mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, mang tư tưởng nhân văn sâu sắc về người phụ nữ. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ của xã hội phong kiến đã bị Đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều.

Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế! Bởi người phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò quan trọng, thể hiện qua những câu “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”... Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) từng nhận định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”.

Do đó, nàng Vương Thúy Kiều của Trung Hoa đã được Nguyễn Du “Việt hóa” thành con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu với tư tưởng tiến bộ. Đặc biệt, chữ “trinh” của nàng Kiều trong tâm thức Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”. Bởi thế, trong đêm tân hôn sau 15 năm lưu lạc, Thúy Kiều đã xin đổi duyên vợ chồng với Kim Trọng thành duyên tri kỷ và Kim Trọng cũng đã đồng ý. Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện như thế! Bởi trong truyền thống của người Việt thì “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Điều này hoàn toàn khác với việc “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” như ở xã hội phong kiến. Bởi xã hội phong kiến là xã hội phụ quyền, gốc gác từ dân du mục Hán, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và quan niệm trọng nam, khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh minh họa)

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (Ảnh minh họa)

Đại thi hào Nguyễn Du nhân được triều đình nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang nhà Mãn Thanh, đã đọc được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và xúc động mà viết nên Truyện Kiều.

Đặc biệt, những khu lầu xanh trong xã hội phong kiến Trung Hoa được mô tả rõ nét trong Kim Vân Kiều truyện, xem phụ nữ như một món hàng tiêu khiển của đàn ông đã khiến Đại thi hào Nguyễn Du cảm xúc mãnh liệt: Đau đớn thay phận đàn bà!/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy Hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha/ Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

Khi khóc nàng Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du cũng khiến người đọc thương cảm mà rơi nước mắt theo. Bởi nàng Kiều là kiếp sau của kỹ nữ Đạm Tiên và cũng bị số kiếp như kỹ nữ Đạm Tiên. Thậm chí, nàng Kiều “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” và phải nhảy xuống sông Tiền Đường để tự vẫn.

Đại thi hào Nguyễn Du tự nhận “đứa con tinh thần” của mình (Truyện Kiều) là những “lời quê”, “chắp nhặt”, “dông dài” chỉ là để “mua vui”. Nhưng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã thành công vượt bậc hơn cả nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bởi thế, sau khi Đại thi hào Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều, những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách.

Vua Tự Đức (1829-1883) nhận xét Truyện Kiều này là “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu”. Đào Nguyên Phổ (1861-1908), một vị quan nhà Nguyễn, ghi lại rằng: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”.

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta. Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc. Vào thời kỳ Pháp thuộc, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Tuy nhiên, không phải chữ Nôm như học giả Phạm Quỳnh nhận định mà chính là tiếng nói từ lương tri dân tộc đã tạo nên bản sắc Việt Nam trong hàng nghìn năm, không lẫn lộn vào các nền văn hóa mang tính nô dịch từ phong kiến Trung Quốc hay từ phương Tây thời thực dân (Pháp, Mỹ) tràn đến.

Tố Hữu đọc Truyện Kiều, nhớ đại thi hào Nguyễn Du

Cảm xúc khi đọc Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 rằng: Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!

Nhà thơ Tố Hữu - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (Ảnh tư liệu lịch sử)

Nhà thơ Tố Hữu - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (Ảnh tư liệu lịch sử)

Tháng 12/1964, tại TP.Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình Thế giới đã ra quyết nghị tổ chức Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965). Đây là sự ghi nhận với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại.

Năm 1965, tức 200 năm sau khi Đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du với lời mở đầu: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều...

Bài thơ còn có đoạn: Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày. Khi ấy, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã lan rộng và vùng Khu IV (cũ) từ Thanh Hóa đến Quảng Bình trở thành tuyến lửa ác liệt.

Bởi thế, trong bài thơ này, tác giả đã lấy những hình tượng nhân vật ác ôn trong Truyện Kiều để chỉ đế quốc Mỹ: Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh/ Cũng loài hổ báo ruồi xanh/ Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!.

Cái tài của nhà thơ Tố Hữu là đã chỉ thẳng bọn “Ưng Khuyển” (máy bay Mỹ) là loài “hổ báo ruồi xanh”, còn bọn “Sở Khanh” (đế quốc Mỹ) là phường “gian ác hôi tanh hại người”. Điều này như một sự đồng cảm của nhà thơ Tố Hữu với Hội đồng Hòa bình Thế giới - một tổ chức đã ra quyết nghị tổ chức Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1965).

Ngày 25/10/2013, tại Kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Riêng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. Truyện Kiều cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp,... với trên 35 bản dịch.

Năm 2023, kỷ niệm 203 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta vẫn có quyền khẳng định “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du” như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu dù sinh thời ông đã cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?)./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết