Tiếng Việt | English

31/10/2016 - 10:12

Nhớ về người lãnh đạo đi đầu trong đột phá khâu phân phối lưu thông

Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) thoát ly tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, trải qua hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của tỉnh Long An và Chính phủ như: Bí thư Tỉnh ủy Long An, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,... Ông được biết đến là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới và tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, nhất là đột phá về giá - lương - tiền những năm 1980 của Long An. Tin ông từ trần để lại nhiều cảm xúc trong lòng bao thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân, đoàn viên thanh niên,...


Bí thư Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Văn Chính (giữa) đưa GS.Trần Văn Giàu tham quan Công ty Mỹ thuật - Mỹ nghệ Long An những năm đầu sau ngày giải phóng

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ - Phạm Thanh Phong

Đồng chí Chín Cần từng nhiều lần giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An qua các thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn những năm 1979, 1980, khi Long An triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - thực hiện cơ chế một giá, tạo bước đột phá, tiền đề quan trọng góp phần vào các quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Tại thời điểm đó, không riêng Long An, mà tất cả các địa phương trong cả nước đứng trước nhiều khó khăn, ngưỡng cửa khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sự áp đặt chủ quan trong định giá tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của Nhà nước. Điều đó khiến đời sống của nhân dân và cả cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn. Lương quá thấp, làm không đủ lo cho cuộc sống nên hàng trăm công nhân, viên chức, giáo viên xin nghỉ hoặc tự bỏ việc để đi buôn, thậm chí đi làm thuê.

Chính giữa lúc thử thách ngặt nghèo ấy, đồng chí Chín Cần mạnh dạn tìm cách để thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ. Khi triển khai Đề án cơ chế một giá, gần như tất cả các mặt hàng phân phối đều được Long An bán ra thị trường. Toàn bộ số mặt hàng được phân phối của cán bộ, công nhân viên được quy ra tiền theo giá thị trường và cộng vào lương hàng tháng. Giải pháp "bù giá vào lương" gây một hiệu ứng tích cực. Thị trường sôi động, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, quỹ lương của tỉnh tăng lên nhiều lần. Từ năm 1980, Long An luôn là địa phương hoàn thành kế hoạch Trung ương giao và là một trong số ít địa phương có dư ngân sách để nộp cho Trung ương.

Chính từ các cải tiến của Long An mà người đi đầu là Bí thư Chín Cần cùng với đóng góp của một ít địa phương khác được áp dụng trong cả nước tạo nên những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội của đổi mới. Đồng chí Chín Cần còn là người có công lớn lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Long An lập nên 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, là người đi đầu trong công cuộc khai phá vùng Đồng Tháp Mười và là người luôn quan tâm đào tạo thế hệ trẻ kế cận cho Đảng bộ Long An.

Bà Nguyễn Thị Bé - Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ

Trong ký ức của tôi, từ trong kháng chiến và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, với bước đột phá trong khâu phân phối lưu thông - thực hiện cơ chế một giá - Khâu đột phá, tạo tiền đề cho những quyết định lịch sử trong công cuộc đổi mới thì đồng chí Chín Cần còn là trung tâm đoàn kết các lực lượng và là người không ngại khó, đi đầu trong tất cả công việc. Trong suốt quá trình công tác tại Long An, đồng chí là người sống rất tình nghĩa, đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của nhân dân và cán bộ tỉnh nhà. Đồng chí là trung tâm đoàn kết xây dựng Đảng bộ trên dưới một lòng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Long An.

Ông Nguyễn Đắc Thành (75 tuổi) - Nguyên cán bộ Ban Kinh Tài

Sau khi giải phóng đất nước một thời gian, lúc ấy, cuộc sống của người dân và cán bộ, nhân viên Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài 1 năm được phát 2 bộ quần áo thì cán bộ, nhân viên chỉ được phát những mặt hàng như: Gạo, xà bông, đường, sữa, muối, các nhu yếu phẩm và một ít tiền.

Trước những khó khăn giữa thời kỳ bao cấp, đồng chí Chín Cần mạnh dạn tạo bước đột phá khi chủ trương cải tiến khâu phân phối lưu thông - thực hiện cơ chế một giá - Khâu đột phá. Những mặt hàng, hiện vật được quy ra tiền và cộng vào lương hàng tháng. Chính sự mạnh dạn, táo bạo của Long An mà người đi tiên phong là Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính tạo ra những tín hiệu tích cực. Người sản xuất có thể mua được vật tư, nguyên liệu cần thiết, người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu mà không phải trông chờ vào mạng lưới phân phối của Nhà nước. Việc lưu thông hàng hóa trở lại bình thường, KT-XH được phục hồi nhanh chóng, sản xuất tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Đây cũng là bước đệm quan trọng đi đến những quyết định đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Nguyễn Minh Hùng

Sau khi ra Trung ương đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của đất nước, năm 1991, đồng chí Chín Cần được Bộ Chính trị điều động về giữ chức Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (ND) Việt Nam. Tại thời điểm này, Hội ND có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở nhưng hoạt động của hội cũng như các phong trào ND chưa thực sự mạnh. Trước thực tế đó, bằng kinh nghiệm, nhiệt huyết của một người con Nam bộ khẳng khái, ông nhiều lần đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ ND, người ND rất cần có nguồn vốn để sản xuất. Bởi thực tế thời điểm đó, nền kinh tế nước ta vẫn tập trung chủ yếu sản xuất nông nghiệp. ND lại là lực lượng đông đảo, trong sản xuất, hội viên ND rất cần vốn và Hội ND phải đứng ra lo vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ND. 

Sau nhiều năm vận động, đến ngày 6/2/1996, Quỹ Hỗ trợ ND - Ban thuộc Trung ương Hội ND được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của hội cũng như phong trào ND trong cả nước. Từ khi có đồng vốn quỹ, các phong trào do hội phát động thực sự đi vào cuộc sống, ND có vốn nên hăng say lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Ông chính là người đặt nền móng xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND.

Ông Trần Văn Kính - Nguyên Tổng Biên tập Báo Long An

Những năm 1979, 1980, tỉnh Long An triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - thực hiện cơ chế một giá - Khâu đột phá, tạo nhiều sự quan tâm của dư luận. Lúc ấy, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về sự đột phá này, bởi chủ trương gần như đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa chính thống. Thế nhưng, bước đột phá đó nhanh chóng được ủng hộ, đi vào cuộc sống, mang lại những thay đổi lớn cho tỉnh và lan truyền trong cả nước. Người mở hướng đi mới này là Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính lúc bấy giờ, mà chúng tôi thường gọi một cách thân thiện là anh Chín Cần.

Với tôi, anh Chín Cần ngoài là người lãnh đạo có trách nhiệm rất cao với công việc, có tư tưởng sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, anh còn là người anh chí tình, chí nghĩa, cùng đồng cam, cộng khổ với anh em trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt, anh rất quý trọng người tài, người có tâm huyết. Nhớ năm 1978 - 1980, khi tôi đang học ở Trường Đảng Cao cấp Trung ương, anh Chín đi công tác ngoài Hà Nội, khi biết Trường Đảng có nhiều anh em quê Long An học tại đây, anh tìm đến, thuyết phục và mời về Long An cùng góp sức xây dựng quê hương. Quý trọng, cảm phục, ủng hộ anh Chín với những kế hoạch “táo bạo”, đổi mới với mong muốn thay đổi cuộc sống người dân, năm 1981, những anh em, trong đó có tôi về Long An công tác. Trên từng lĩnh vực công tác của mình, anh em chúng tôi rất vui mừng vì đóng góp chút ít công sức để xây dựng quê hương Long An ngày càng đổi mới.

Năm 1998, khi nghỉ hưu, tôi cũng có dịp cùng làm việc với anh tại Hội đồng Chỉ đạo biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ do anh làm Phó Chủ tịch. Cùng làm việc với nhau, tôi càng quý trọng anh bởi trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, lòng nhiệt tình, và hơn tất cả, tâm hồn anh luôn hướng về Long An với nhiều trăn trở: Làm sao cho quê hương mình ngày càng đổi mới, người dân mình ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phó Giáo sư, Tíến sĩ Huỳnh Thị Gấm - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Là lớp người đi sau, lại công tác xa quê nên tôi không có nhiều dịp được gặp ông Chín Cần - vị lãnh đạo hết lòng vì dân, vì quê hương, đất nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm. Tuy nhiên, do làm công tác nghiên cứu, giảng dạy nên tôi thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu về những bước chuyển mình, những thành tựu, đổi mới của quê hương Long An, những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà, trong đó, đặc biệt quan tâm về những đóng góp to lớn của ông.

Tôi được biết, để có một Long An như hôm nay, các thế hệ lãnh đạo đóng góp nhiều trí tuệ, công sức để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra những nhiệm vụ, chương trình, công tác lớn có tính đột phá, thể hiện tính năng động, sáng tạo, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh như: Xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng; thực hiện chương trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười, biến Đồng Tháp Mười từ một vùng hoang hóa thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh và cả nước; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi,... góp phần cho Long An ngày càng phát triển.

Giai đoạn ông làm Bí thư Tỉnh ủy cũng là lúc nền kinh tế của tỉnh và cả nước đang rất khó khăn, đời sống nông dân rất vất vả, thiếu thốn. Có nhiều nguyên do như cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp tiếp tục được duy trì, làm cho nền kinh tế kém phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong đó, vai trò quan trọng của ông Chín Cần, những năm 1979 - 1980, Long An triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - thực hiện cơ chế một giá - Khâu đột phá đạt hiệu quả, làm cho nhiều địa phương và Trung ương rất quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu. Những đổi mới, đột phá từ Long An lan tỏa ra cả nước; đến nay, sự đổi mới, sáng tạo của ông, của Long An được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá rất cao. Thế hệ chúng ta ngày nay cần phải tiếp tục trân trọng, phát huy những đóng góp to lớn của ông, nhất là tinh thần sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nhận thức đúng quy luật và nhu cầu, lợi ích của người dân vào công cuộc phát triển quê hương, đất nước./.

(còn tiếp)
Kiên Định - Long Huy
(ghi)

Chia sẻ bài viết