Tiếng Việt | English

15/12/2015 - 11:14

Những bức xúc về cây xanh đô thị ở TP.Tân An

Ngoài công năng cải tạo môi trường sống, là “lá phổi xanh”cho cư dân, cây xanh còn làm tăng vẻ mỹ quan cho đô thị, tạo không gian an lành và đáng sống cho con người. Vậy ta nên ứng xử với cây xanh sao cho phải lẽ?

 

Một trong những cây bằng lăng bị cưa trụi cành nhánh

Hàng cây bằng lăng trên đường Trần Phong Sắc (phường 4, TP.Tân An) mới ngày nào còn tỏa cành lá xum xuê và bung nở một màu hoa tím hồng rực rỡ trông thật đẹp mắt. Bỗng một ngày nọ, có hàng chục người với cưa máy “càn” qua, hàng cây ấy trụi trơ xương xẩu. Tại sao phải đối xử “tàn nhẫn” với cây xanh như thế?

Với cây xanh đường phố, kinh nghiệm cho thấy mỗi năm chỉ nên cưa tỉa 30-50% số cành quá dài và cao, số khác giữ lại để có bóng mát và tạo cho cây có sức hồi phục tán tại các cành đã cắt tỉa. Cách 1-2 năm sau mới cắt tỉa 30-50% số cành được giữ lại từ lần cắt tỉa trước. Những năm tiếp theo, căn cứ vào số cành lá và tốc độ phát triển mà bấm đọt hay đoản cành cấp II, III, vừa giúp cây luôn có tán lá cân đối, khỏe mạnh và đẹp, vừa bảo đảm độ phát triển bền vững cho cây.

Theo các nhà chuyên môn, tỷ lệ bộ rễ so với phần cây trên mặt đất trong tự nhiên là 1:1, thậm chí phần rễ lớn hơn phần thân. Còn cây ở thành phố khi bật gốc thường chỉ có một bầu đất nhỏ, đó là do cây bị giới hạn sinh trưởng. Các yếu tố giúp cây phát triển tốt bao gồm: Đất, nước, ánh sáng và chất dinh dưỡng.

Trong khi chúng ta trồng cây trên vỉa hè chẳng khác gì trồng cây vô chậu, bị giới hạn các hướng phát triển của rễ. Việc bêtông hóa vỉa hè quá chắc cũng làm cản trở bộ rễ đâm sâu xuống đất. Mặt khác, khi có mưa, nếu cây trồng ở chỗ cao tráng bêtông, nước sẽ trôi hết xuống chỗ thấp hoặc cống thoát nước, làm cho cây ở chỗ cao bị thiếu nước sẽ yếu đi. Ngược lại, nước đọng lại ở chỗ trũng thấp lâu ngày làm cho thân cây bị mục ruỗng dẫn đến rỗng ruột, bộ rễ bị úng và chết dần.

Kinh nghiệm cho thấy, cây xanh trong đô thị nếu nằm ở chỗ có nhiều dãy nhà cao tầng sẽ bị che mất ánh nắng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây; nếu cây trồng trong các hẻm có gió lộng hằng ngày sẽ làm nước mau bốc hơi khiến cây bị thiếu nước dẫn tới còi cọc, chết dần. Hẻm có gió như vậy cũng dễ làm cho cây bật gốc khi có lốc xoáy. Do đó, các nhà chuyên môn khuyến cáo chúng ta nên nghiên cứu cách trồng kiểng bonsai của người Nhật (đưa cả gốc cổ thụ vào chậu nhỏ và cạn) mặc dù bị kiềm hãm độ tăng trưởng (lùn hóa và thu hẹp tán lá) song cây vẫn tươi tốt và sống rất lâu.

Vậy thì các nhà chuyên môn cần có khảo sát, quy hoạch từng đường phố cho từng chủng loại cây trồng phù hợp, để cây xanh vừa làm đẹp phố phường, vừa có sức sống bền lâu. Ví dụ cây xanh trên mép bờ kè nên trồng cau vì thân không lớn, tán không rộng, bộ rễ cau còn kết tủa làm chắc bờ kè, tạo không gian thoáng đãng cho ánh đèn đêm rọi xuống đáy nước làm đẹp cảnh quan. Cách hàng cau một quãng (phía trong bờ kè) có thể trồng cây ngọc lan (hoa có mùi thơm quyến rũ) cành lá rậm rạp, hoặc bằng lăng có hoa hồng tím hay các loại cây tán lớn, rễ đâm dài cũng không ảnh hưởng đến bờ kè. Nói chung, phải tùy theo đường phố và điều kiện đất đai, khí hậu mà ấn định chủng loại cây xanh cho phù hợp.

Với khuynh hướng xanh hóa đô thị trong thời biến đổi khí hậu, xanh-sạch-đẹp cảnh quan môi trường là tiêu chí được lựa chọn hàng đầu của bất cứ đô thị vùng nhiệt đới nào. TP.Tân An tỷ lệ cây xanh chiếm chẳng là bao. Mấy năm nay, nhiều đường phố không được trồng thêm cây xanh cả ở những chỗ cây bị chết hoặc ngã đổ lâu ngày. Đã vậy, những cây hiện hữu còn bị cắt tỉa trụi lủi thì làm sao gọi “thành phố xanh-sạch-đẹp” được./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết