Nữ hộ sinh kiêm bảo mẫu và cấp dưỡng
Một ngày bình thường như bao nhiêu ngày khác tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, một sản phụ có dấu hiệu sắp sinh đến làm thủ tục nhập viện. Em bé chào đời thuận lợi, “mẹ tròn, con vuông” và được đưa xuống khu vực hậu sản. Lúc này vẫn chưa thấy bóng dáng người nhà đến. Các y, BS và hộ sinh còn bận bịu với công việc của mình. Khi đến thăm khám cho hai mẹ con thì người mẹ đã đi mất, bỏ lại đứa trẻ còn đỏ hỏn một mình trên giường bệnh. Tất cả thông tin đã cung cấp khi làm thủ tục nhập viện đều là thông tin giả.
Nữ hộ sinh Đỗ Thị Loan thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân Lê Ngọc Châu (xã Long Trì, huyện Châu Thành). Chị Châu nhập viện khi cảm thấy đau ở vùng bụng vào những ngày đầu thai kỳ. Sau thời gian điều trị, sức khỏe chị ổn định
Ngay lúc đó, NHS Đỗ Thị Loan cùng các đồng nghiệp đứng ra chăm sóc bé như con ruột của mình. Chị Loan và đồng nghiệp mua tã, quần áo và sữa, thay phiên nhau chăm sóc đứa con bất đắc dĩ. NHS Đỗ Thị Loan kể: “Lúc đó, chúng tôi thay phiên nhau, ai trực thì chăm sóc bé luôn. Sợ để bé trong phòng nghỉ, xa nơi làm việc không tiện nên chúng tôi đưa con vào phòng làm việc, vừa làm, vừa trông bé. Đứa bé ngoan lắm, cứ bú no là ngủ thôi”. 10 ngày, không phải là quá dài nhưng đủ để chị Loan nhớ mãi quãng thời gian làm mẹ bất đắc dĩ của mình. Chuyện đã qua một thời gian nhưng có lẽ đó sẽ mãi là ấn tượng khó phai trong suốt hơn 20 năm làm nghề của nữ cử nhân hộ sinh Đỗ Thị Loan. Đứa trẻ sau này được một gia đình tại địa phương làm thủ tục nhận nuôi.
Chào đón một thiên thần nhỏ vẹn tròn là niềm hạnh phúc của những người làm cha, mẹ. Nhưng trong niềm vui ấy có sự hy sinh thầm lặng của những NHS. Đó là những vết xước hằn trên cánh tay nữ hộ sinh do sản phụ vô thức cào trong cơn đau. Chị Loan kể: “Phụ nữ lúc vào phòng sinh nhiều người sợ lắm, họ xin BS, NHS đứng bên cạnh cho họ nắm tay trong hành trình vượt cạn. Nhiều lúc, sau khi sản phụ sinh xong là tay NHS bầm đỏ, chi chít vết xước. Mỗi lần họ đau là bấu mình, mình cũng đau nhưng không nỡ bỏ họ một mình”.
Điều đó xuất phát từ sự cảm thông với những khó khăn của người phụ nữ trong hành trình vượt cạn. Lắm lúc, các y, BS, NHS tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành còn kiêm luôn nhiệm vụ cấp dưỡng khi chăm lo cho sản phụ từng bữa ăn lúc còn nằm trong bệnh viện. Chị Loan kể: “Ở đây, chúng tôi hay gặp các sản phụ sinh con nhưng thiếu hẳn người nhà chăm sóc, không ai lo cơm nước. Thấy các chị còn chưa hết cơn đau, chưa thể đi lại được nên tôi và đồng nghiệp nấu ăn mang đến cho các chị. Chúng tôi trực mang cơm theo ăn nên nấu dư ra một phần mang cho các chị ấy cũng chẳng có gì phiền hà”.
Niềm vui của nữ bác sĩ sản khoa
Hầu hết BS, hộ sinh khoa Sản đều là nữ nên các chị dễ dàng hiểu và cảm thông với những vất vả, khó khăn của sản phụ. Sự cảm thông đó chính là động lực để công việc mỗi ngày được vui hơn, vơi bớt phần vất vả. BS chuyên khoa I Lê Thị Phương Hà, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), chia sẻ về công việc của mình: “Mỗi ngày, chúng tôi đều được nhìn thấy những thiên thần nhỏ chào đời”. 4 năm làm ở Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, điều khiến BS Hà vui nhất chính là giúp được một sản phụ có hoàn cảnh khó khăn không đủ kinh phí chuyển tuyến điều trị. Đó là sản phụ mang song thai và bị tiền sản giật nặng, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Thấy gia đình sản phụ chật vật xoay sở khi ở bệnh viện, BS Hà hiểu khi lên tuyến trên sẽ vượt quá khả năng chi trả của gia đình nhưng chuyển tuyến lại là cách duy nhất giữ an toàn cho 3 mẹ con. Nữ BS đứng ra vận động tiền cho bệnh nhân. Số tiền trao đi không quá lớn nhưng đủ làm lộ phí cho bệnh nhân khi chuyển tuyến. Niềm vui vì vậy cứ vẹn nguyên trong lòng nữ BS trẻ.
Bác sĩ Lê Thị Phương Hà thăm khám cho sản phụ đang dưỡng thai tại bệnh viện
Là bệnh viện đa khoa khu vực, gần huyện biên giới Đức Huệ nên trước đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nước bạn. Bất đồng ngôn ngữ nên y, BS gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn bệnh nhân sinh con và cách chăm sóc bé sơ sinh. Vậy là các BS tự tìm học những từ cơ bản, cần thiết để thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ bệnh nhân. Nếu ai đó lần đầu đến và thấy BS, bệnh nhân nói tiếng bồi hoặc vừa nói, vừa ra dấu hiệu hẳn sẽ rất ngạc nhiên nhưng việc đó đã trở thành chuyện thường ngày ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa trong giai đoạn dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Làm công tác sản khoa nghĩa là đồng hành cùng các sản phụ trên hành trình vượt cạn, vì vậy, các y, BS cần có cả tình thương và sự cảm thông./.
Làm công tác sản khoa nghĩa là đồng hành cùng các sản phụ trên hành trình vượt cạn, vì vậy, các y, BS cần có cả tình thương và sự cảm thông”. |
Quế Lâm