Tiếng Việt | English

11/01/2018 - 11:14

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Giám sát (GS) của MTTQ là hoạt động mới, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; công khai, minh bạch, không chồng chéo; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được GS, phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam.

Lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Chủ thể GS và phản biện xã hội là UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Điều 9, Hiến pháp 2013). Đối tượng GS của MTTQ Việt Nam là cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung GS là việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Căn cứ để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức GS là chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm; chương trình phối hợp GS giữa UBMTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên và cơ quan nhà nước cùng cấp; kiến nghị của tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do UBMTTQ Việt Nam tiếp nhận; thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hàng năm, UBMTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những nội dung và xác định các hình thức GS phù hợp để xây dựng kế hoạch GS. Ngoài ra, khi nội dung GS liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, phải mời đại diện lãnh đạo các tổ chức này tham gia xây dựng kế hoạch GS. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, các nội dung GS phải có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp.

Mặt khác, nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động GS, dự thảo kế hoạch GS phải được trao đổi, thống nhất với HĐND và UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện. Kế hoạch GS phải thể hiện đầy đủ về nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được GS. Dù kế hoạch GS được ban hành từ đầu năm nhưng có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.

Điều 27, Luật MTTQ Việt Nam quy định, GS của MTTQ bao gồm 4 hình thức, trong đó “tổ chức đoàn GS” là hình thức GS được các cấp Mặt trận quan tâm, tổ chức thực hiện. Việc thành lập đoàn GS ngoài đại diện lãnh đạo UBMTTQ làm trưởng đoàn, cần chú ý mời đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên mà nội dung GS liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên của tổ chức đó, đại diện hội thường trực HĐND, có thể mời chuyên gia am hiểu lĩnh vực GS tham gia thành viên đoàn.

Trước khi tiến hành hoạt động GS, cần gửi thông báo việc tiến hành GS đến cơ quan, tổ chức được GS; yêu cầu báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung GS. Nhằm bảo đảm chất lượng cuộc GS, các thành viên đoàn cần thu thập, tra cứu văn bản pháp luật và các văn bản khác liên quan đến nội dung GS để đối chiếu với thực tế và đưa ra ý kiến nhận xét một cách xác đáng, thuyết phục cao.

Điều 27, Điều 34 Luật MTTQ Việt Nam quy định, chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nhằm cụ thể hóa chức năng trên, ngày 15/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và ngày 21/7/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT, hướng dẫn một số điểm trong quá trình thực hiện quy trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Giám sát đúng quy trình

Việc triển khai hoạt động GS cần bảo đảm các bước: Trưởng đoàn GS chủ trì làm việc, thông báo việc tổ chức GS, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và phương thức làm việc của đoàn GS, chương trình làm việc cụ thể và những công việc khác liên quan đến hoạt động của đoàn GS; người đứng đầu hoặc đại diện người đứng đầu cơ quan, tổ chức được GS báo cáo về những nội dung theo đề cương yêu cầu báo cáo. Thành viên đoàn GS có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức được GS làm rõ thêm những nội dung báo cáo. Đoàn GS có thể đề nghị cơ quan, tổ chức được GS để đoàn GS kiểm tra, khảo sát thực tế làm rõ thêm những vấn đề thuộc nội dung GS.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được GS có trách nhiệm tạo điều kiện để đoàn GS kiểm tra, khảo sát thực tế. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Đoàn GS có thể kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm. Kết thúc chương trình làm việc, trưởng đoàn GS trình bày tóm tắt quá trình GS và kết quả làm việc. Người đứng đầu hoặc đại diện người đứng đầu cơ quan, tổ chức được GS có thể giải trình thêm và nêu các kiến nghị với đoàn GS.

Báo cáo kết quả GS là sản phẩm cuối cùng của đoàn GS. Nội dung báo cáo kết quả GS cần bám sát nội dung, kế hoạch và mục tiêu GS; đánh giá mặt được, những thành tích nổi bật; nêu rõ những nội dung tồn tại, hạn chế; những vi phạm, trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế, đồng thời kiến nghị các biện pháp xử lý, khắc phục. Căn cứ báo cáo kết quả GS, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan, tổ chức được GS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Kiến nghị phải cụ thể về đối tượng, nội dung, tránh kiến nghị chung chung, không rõ đối tượng. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau GS./.

QD

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích