Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chiều 12/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ hơn 70 nhà khoa học đang tham gia vào năm đề án khoa học lớn: Nghiên cứu, Biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; Bách khoa toàn thư; Địa chí quốc gia Việt Nam; Hệ tri thức Việt số hóa; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các nhà khoa học đã thông báo về tiến độ triển khai cùng những điểm mới, cách làm sáng tạo khi thực hiện các đề án này.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết: Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (Quốc sử) có tầm quan trọng đặc biệt bao gồm bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam 5 tập và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Đến nay, đề án này có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, nhà sử học trong cả nước, nhất là các chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại, lịch sử Đảng, lịch sử Cách mạng, lịch sử quân sự, lịch sử an ninh, văn hóa và khảo cổ học, các nhà lãnh đạo, quản lý và khoa học trong các lĩnh vực liên quan khác. Đề án nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ và toàn diện.
Thông báo về tiến độ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, cho hay Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam là loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam, từ khoảng hơn 70 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ... gồm 37 tập, có thể in và xuất bản trực tuyến.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn một Bộ Bách khoa toàn thư. Đến nay, Ban chủ nhiệm Đề án quyết định bổ nhiệm 37 Trưởng ban biên soạn của 37 quyển chuyên ngành. Năm thứ nhất có hơn 600 nhà khoa học tham gia xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành. Dự kiến khi chính thức biên soạn sẽ có khoảng 5.000-6.000 nhà khoa học tham gia đề án. Thời gian dự kiến 10 năm.
Báo cáo về nhiệm vụ xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí), giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thể hiện sự vinh dự, tự hào khi được tham gia xây dựng Bộ quốc chí đầu tiên trong lịch sử, biên chép về tất cả các lĩnh vực của quốc gia theo mảng lĩnh vực và biên soạn, biên soạn lại địa phương chí 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bộ sách vừa phát huy các kinh nghiệm viết chí truyền thống, vừa tận dụng các thành tựu công nghệ hiện đại, công nghệ thời cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng một bộ sách số, một hệ dữ liệu quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu.
Bộ Quốc chí lần đầu tiên có quy chuẩn cho tất cả các nhiệm vụ thành phần, kế thừa phương pháp chép chí truyền thống với các phương pháp làm chí của thế giới đương đại, kết hợp sử dụng tư liệu Việt Nam và các tư liệu lưu trữ quốc tế.
Ngoài sách giấy như truyền thống, Quốc chí sẽ xuất bản dạng sách số, tra cứu và tìm kiếm thông tin thuận tiện với tập hợp dữ liệu lớn, kèm hệ thống bản đồ, hệ thống định vị có thể tra cứu tìm kiếm thuận tiện mang tính ứng dụng và thực tiễn cao. Đáng chú ý, Quốc chí cho phép cập nhật thường xuyên, nhanh chóng, cho phép lấy ý kiến bổ sung của người dân.
Giáo sư Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ những bước chuẩn bị đầu tiên cho dự án “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.” Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thực hiện việc dịch thuật, diễn giải các tác phẩm kinh điển về tôn giáo, triết học, chính trị. Đề án này được thực hiện hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa, trong nhiều năm, nhiều chặng, thử thách độ bền và ý chí của các nhà khoa học.
Là một đề án được triển khai sau, nhưng “Hệ tri thức Việt số hóa” do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trình bày tóm tắt cho thấy cách làm rất mới với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam.”
Đề án giao thoa giữa công nghệ thông tin với các ngành khoa học khác, tập hợp kết quả từ các công trình khoa học khác nhau kết hợp với doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu tổng hợp, hệ thống hóa, Việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất...
Đề án cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia với vai trò vừa khai thác, vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam; khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức; từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.
Đáng chú ý, đề án không có ngân sách riêng biệt, mà huy động các nguồn lực khác nhau kể cả từ xã hội và từ các đề án khác. Đề án huy động mọi thành phần như cơ quan nhà nước, nhà khoa học, trường Đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân tham gia vào đóng góp tri thức.
Một số dự án đã được triển khai trong năm 2018 như nhận dạng tiếng nói, xây dựng bản đồ số, giáo dục số, dữ liệu lớn trong nông nghiệp... Đề án mong muốn kết nối để nâng cao hiệu quả cũng như cung cấp công cụ ngược lại cho các đề án khoa học khác, kế thừa giá trị, phổ biến, truyền bá, đưa khoa học đỉnh cao đến với người dân. Mọi người có thể truy cập, học tập, nâng cao kiến thức trong cuộc sống và phục vụ công việc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cùng với nhiều công trình, đề án khoa học, nhưng năm đề án này có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với chủ trương chung “khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu,” “văn hóa là nền tảng,” đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước theo Nghị quyết của Đảng với “kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.”
Năm đề án được triển khai với sự kế thừa truyền thống lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, thành tựu 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước nói chung, tiềm lực khoa học công nghệ nói riêng, ngày càng được nâng lên. Vị thế của đất nước ngày càng được coi trọng trên thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề án đã và sẽ tiếp tục quy tụ hầu hết các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, chính trị và nhiều ngành khoa học công nghệ. Đặc biệt, với cách làm mới và hai đề án Hệ tri thức Việt số hóa, “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” còn có sự tham gia đông đảo của các sinh viên, trí thức trẻ, thể hiện sự tiếp nối các thế hệ nhà khoa học, nhân dân cùng góp phần xây dựng những yếu tố nền tảng của một đất nước, một dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai, biên soạn và phổ cập kiến thức trong Bách khoa toàn thư, Quốc sử, Quốc chí không chỉ có các nhà khoa học, mà còn cần cả sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, tổ chức và người dân tham gia.
“Đây là những đề án rất thiết thực, có ý nghĩa không chỉ cho hiện nay mà cả mai sau nếu chúng ta hoàn thành tốt,” Phó Thủ tướng nêu rõ và gửi lời cảm ơn chân thành, tri ân tới thế hệ các nhà khoa học đã, đang và sẽ tham gia vào các đề án, cũng như trong sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục của đất nước./.
Theo TTXVN