Tiếng Việt | English

15/06/2015 - 15:19

Phòng, chống tai nạn thương tích bảo vệ mầm non tương lai

Thời gian gần đây, tai nạn thương tích ở trẻ em ngày càng gia tăng và trở thành mối quan tâm của xã hội. Do đó, việc phòng, chống tai nạn thương tích luôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là Tháng hành động Vì trẻ em. Các hoạt động này nhằm tạo một tương lai vững chắc, khỏe mạnh và toàn diện cho các cháu.

Nhà có cổng, rào chắn an toàn sẽ phòng ngừa được những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn cho trẻ

Thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi

Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có trên 360.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 25% tổng dân số. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi gần 130.000 trẻ, chiếm gần 9% tổng dân số. Trong những năm gần đây, TNTT ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Các TNTT thường xảy ra như ngã, đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc thức ăn, súc vật cắn,... Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Nguyễn Thị Bạch Huệ, nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu hiểu biết của trẻ, sự thiếu ý thức của người lớn, điều kiện môi trường - xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Cụ thể, trẻ chưa xác định được đầy đủ mức độ nguy hiểm của môi trường, hoàn cảnh và trò chơi, bản thân cũng chưa được gia đình, nhà trường, cộng đồng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng tránh, xử lý các tình huống TNTT. Nguyên nhân từ phía người lớn do chưa có ý thức đầy đủ về TNTT ở trẻ, bất cẩn nên trẻ dễ tiếp cận với các đồ vật dễ gây TNTT. Ngoài ra, tỉnh ta có nhiều sông, rạch, vùng Đồng Tháp Mười thường xuyên ngập lũ hằng năm, rất nguy hiểm, dễ gây TNTT cho trẻ.

Theo đó, mục tiêu chung của ngành là đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của cộng đồng. Trên cơ sở kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, các ngành liên quan đã triển khai các mô hình như: “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” (NNATCTE), “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Phòng, chống đuối nước cho trẻ em” và “An toàn giao thông đường bộ, đường thủy cho trẻ em”. Trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo hằng ngày đi học qua đò, phà, các em sống ở sát kênh, rạch thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng được phát 1.000 cặp phao cứu sinh với số tiền 126 triệu đồng. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em ở 5 huyện, thị xã (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường) đã thu hút nhiều học sinh tiểu học, THCS tham gia.

Tạo cho trẻ một môi trường sống an toàn, hạnh phúc là trách nhiệm của tất cả chúng ta Ảnh: Kiều Oanh

Hiệu quả từ mô hình “ngôi nhà an toàn cho trẻ em”

Mỗi năm, tỉnh chọn 2 xã thuộc những huyện có số lượng trẻ có nguy cơ xảy ra TNTT cao làm điểm để tiếp tục nhân rộng ra địa phương khác trong thời gian tới. Riêng trong năm 2014, tổng số hộ gia đình tại 2 xã điểm được kiểm tra đạt NNATCTE là 1.322 hộ (trong đó, Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ) là 462 hộ và Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa) là 860 hộ). Trong năm 2015, số lượng trẻ bị TNTT trên địa bàn huyện Đức Hòa và Vĩnh Hưng cao so với các địa phương còn lại (Đức Hòa 568 trẻ; Vĩnh Hưng 73 trẻ, trong đó có 4 trẻ chết đuối). Do đó, năm nay, xã Đức Lập Thượng (Đức Hòa) và Hưng Điền (Vĩnh Hưng) được chọn làm xã điểm xây dựng mô hình NNATCTE của tỉnh.

Việc thực hiện kiểm định NNATCTE ở các xã điểm nhằm tăng cường nhận thức của mọi thành viên trong gia đình về phòng, chống TNTT cho trẻ, đánh giá việc cải thiện phòng, chống TNTT qua mỗi lần kiểm tra và xác định các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn NNATCTE cho trẻ ở địa phương. Đặc biệt, các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng có thể nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây TNTT cho trẻ ở trong và xung quanh nhà. Qua đó, giảm thiểu đến mức thấp nhất các loại thương tích cho trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hằng ngày gây ra.

Được chọn làm xã điểm của tỉnh vào năm 2013, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành đến nay vẫn luôn duy trì và tăng số lượng người dân tham gia thực hiện mô hình. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Hòn cho biết, kể từ khi triển khai mô hình đến nay, xã không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra đối với trẻ. Nhận thức của người dân, các bậc phụ huynh được nâng lên rõ rệt. Xã có lợi thế trong thực hiện nhờ kết hợp quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc xóa nhà tạm, nâng cấp thành nhà kiên cố, bán kiên cố cũng góp phần bảo đảm an toàn cho trẻ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu thực hiện mô hình NNATCTE cho trẻ. Ngoài số hộ được công nhận đạt NNATCTE đến nay vẫn tiếp tục duy trì, số lượng các hộ phát triển thêm tăng qua từng năm, ước đến thời điểm này được thêm khoảng 120 hộ, đa phần tập trung ở ấp 1. Chị Trương Thị Bé Bảy (ấp 2, xã Hòa Phú) cho biết: “Nhà tôi có một cháu gái năm nay 10 tuổi. Trước đây, tôi đã xây nhà kiên cố nhưng chưa có cổng rào dù ở sát mặt lộ, ngoài sân thì cỏ mọc đầy, con gái chạy, giỡn dễ giẫm phải đinh, gai nhọn hoặc bị côn trùng cắn. Hơn 1 năm nay, vợ chồng tôi đã xây cổng cho chắc chắn, vừa tránh cho bé chạy ra đường, vừa bảo vệ tài sản cho gia đình. Hàng xóm thấy nhà tôi kín đáo nên cũng thường cho các cháu qua chơi. Trong nhà, các thiết bị điện, vật sắc nhọn, dao kéo tôi cũng để xa tầm tay của con”.

Bên cạnh các xã điểm của tỉnh, tại cấp huyện, các xã điểm cũng thực hiện tốt mô hình NNATCTE để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của trẻ. Thủy Tây là xã có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và nhiều hộ dân có con nhỏ sinh sống cặp Quốc lộ 62. Vì vậy, cuối năm 2010, xã được chọn là một trong những xã điểm của huyện Thạnh Hóa để xây dựng mô hình NNATCTE. Mô hình duy trì đến nay được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Gia đình bà Ngô Thị Hoa, ngụ ấp 2, xã Thủy Tây sinh sống ven sông và cặp Quốc lộ 62 nên lúc nào cũng “nơm nớp” lo trông chừng cháu nhỏ cho các con đi làm. Bà cho biết: “Tôi ở nhà giữ 2 cháu nhỏ (đứa 3 tuổi và đứa 5 tuổi). Từ khi được cán bộ LĐ-TB&XH cùng trưởng ấp đến tận nhà tuyên truyền về việc xây dựng NNATCTE, gia đình tôi đã xây dựng hàng rào để 2 cháu không ra đường hoặc xuống kênh vọc nước. Bây giờ, chăm sóc trẻ trong một ngôi nhà an toàn, tôi cũng an tâm hơn, chứ lúc trước lơ là một chút là bé chạy ra đường hoặc xuống dọc bờ kênh sau nhà để chơi, rất nguy hiểm”.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - câu nói quá quen thuộc nhưng không bao giờ lỗi thời như ngầm nhắc nhở mỗi người lớn chúng ta phải luôn có ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần phải giúp trẻ tránh xa được những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Trẻ em là những “hạt mầm” non nớt, rất cần đôi tay vun bón, bảo vệ của không những trong gia đình mà còn ngoài xã hội. Một khi duy trì được một thế hệ khỏe mạnh, thông minh thì tương lai đất nước mới đi lên, vươn cao, vươn xa và sánh vai cùng thế giới.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Thị Bạch Huệ, muốn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thì:- Có nhận thức mới thay đổi được hành vi, do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống TNTT.- Cán bộ chăm sóc, bảo vệ trẻ em cùng đội ngũ cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em cần được tập huấn các kỹ năng, kiến thức chuyên môn. Từ đó, hướng dẫn cho người dân cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nâng cao chất lượng của hoạt động tuyên truyền.- Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần được lồng ghép vào các chương trình của địa phương như “Xây dựng xã, phường phù hợp trẻ em”. Các xã, phường, thị trấn ký cam kết thực hiện, có nghị quyết chuyên đề về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Bởi vì, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ riêng ngành LĐ-TB&XH thực hiện mà có sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị.- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo; đối với những em không thuộc diện được hỗ trợ thì phải huy động nguồn lực giúp đỡ các em, nhất là những em đang trong độ tuổi đi học, những em bị bệnh.- Người lớn cần trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để hiểu về các quyền lợi của mình và cũng có khả năng tự bảo vệ mình; giúp các em có chính kiến cá nhân,... gắn với chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em là “Lắng nghe trẻ em nói”. Chính quyền các cấp cũng có thể tổ chức“Diễn đàn trẻ em”. Không cần cầu kỳ, chỉ đơn giản là nơi cho các em bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng chính đáng để giải quyết, đáp ứng kịp thời.- Đối với công tác phòng, chống TNTT, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm các em nhiều hơn, đặc biệt là các em khuyết tật, mồ côi, lao động sớm; tạo điều kiện cho các em được đến trường./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết