Tiếng Việt | English

23/10/2020 - 18:45

Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS

Sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS gồm 14 điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS 2006; bãi bỏ 2 điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS 2006 gồm: Điều 42 về Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối và Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Theo đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An), kết quả phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta sau 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (Luật hiện hành) là khá thành công, có ý nghĩa tích cực. Nổi bật là đã nâng lên về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tình hình nhiễm HIV đã giảm cả 3 mặt (số người mới nhiễm, số chuyển sang AIDS, số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS); kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%; đưa Việt Nam thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người  nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Phi Hùng cho rằng, Luật phòng, chống HIV/AIDS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030 về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, đại biểu tán thành về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung, cũng như mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Trương Phi Hùng nhận định, việc bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ (điểm b, khoản 2 Điều 4 Luật hiện hành) là phù hợp, nhằm góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người này sang người khác. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người nhiễm HIV phải thông báo cho 1 đối tượng nữa là người sử dụng chung dụng cụ có dính máu (như kim tiêm) biết về tình trạng nhiễm HIV của mình, vì tình trạng này thường xảy ra trong thực tế, cần có biện pháp phòng ngừa.

Đối với việc bổ sung một số đối tượng được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (khoản 2, Điều 11, Luật hiện hành), đại biểu thống nhất bổ sung người có quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển đổi giới tính và các đối tượng khác như dự thảo Luật. Ngoài các đối tượng có nguy cơ cao, đại biểu đề nghị bổ sung 1 đối tượng nữa cần được ưu tiên là học sinh, sinh viên các trường THPT và các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề (Trường trung cấp, cao đẳng), vì đây là đối tượng đông đảo, nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai của xã hội, rất cần được chủ động phòng ngừa HIV bằng các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục đa dạng và thích hợp.

Đại biểu Trương Phi Hùng cũng thống nhất với quy định của dự thảo Luật là người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ đủ 15 tuổi trở lên (thay vì đủ 16 tuổi như Luật hiện hành) mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ nếu bị nhiễm. Theo đại biểu, sự sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế là cần phát hiện, điều trị sớm cho lứa tuổi này (có xu hướng nhiễm HIV ngày một tăng), vừa bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ, vừa tránh lây lan cho cộng đồng, cũng phù hợp với cách ứng xử của nhiều nước trên thế giới. Quy định này cũng bảo đảm chặt chẽ về bí mật thông tin đối với trẻ bị nhiễm HIV.

Đại biểu Trương Phi Hùng góp ý về dự thảo Luật

Về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, đại biểu nhất trí theo dự thảo Luật nhưng đề nghị bổ sung cụm từ “cùng với các nguồn tài chính khác” vào khoản 2, Điều 43 để khoản này thành: “Hằng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách cùng với các nguồn tài chính khác để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam”, bởi theo đại biểu nếu chỉ thực hiện từ nguồn ngân sách (như dự thảo Luật) sẽ không bảo đảm đạt được mục tiêu trên.

Riêng đề nghị bãi bỏ Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, đại biểu Trương Phi Hùng tán thành ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội là giữ lại Quỹ này như Luật hiện hành. Vì đây là một kênh có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện ngân sách nhà nước và các nguồn tài chánh khác đang gặp khó khăn.

Thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong tờ trình. Bên cạnh đó, đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 30); kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (Điều 35); độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Điều 27); Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 44);…/.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết