Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc hội
Dự thảo Luật BP Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cơ bản nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BP Việt Nam của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trình tại Kỳ họp thứ 10. Bên cạnh đó, đại biểu tham gia thảo luận về 3 vấn đề:
Thứ nhất là việc phối hợp để thực thi nhiệm vụ BP (được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật). Theo đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, thực thi nhiệm vụ BP ở khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể tham gia theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Nội dung, nhiệm vụ BP rộng, đa dạng về lĩnh vực quản lý nhà nước, một số nhiệm vụ có sự giao thoa giữa các lực lượng.
Đại biểu cho rằng, để phát huy sức mạnh tổng hợp, cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời trong xử lý các vụ việc, không tạo khoảng trống, bảo đảm không sót lọt trong xử lý các vụ việc, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, lực lượng, tránh hiện tượng “tranh công, đổ lỗi”, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, như trong công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid -19 thời gian qua ở khu vực biên giới, cửa khẩu thực hiện rất tốt, cần được cụ thể hóa thành những điều, khoản trong Luật BP Việt Nam lần này, được thông qua tại kỳ họp này.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
Đối với quy định về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) quy định tại Điều 12 của dự thảo Luật, theo đại biểu Tuấn, việc bảo vệ và giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an nhân dân; các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới; Thông báo số 165/TB-TW ngày 22/12/2004 của BCH TW Đảng (khóa IX) về kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Quốc phòng 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018, đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ Biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và tại các cửa khẩu.
Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật BP Việt Nam quy định BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu” là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Về quyền hạn của BĐBP được quy định tại Điều 14 của dự thảo Luật, theo đại biểu Tuấn, các văn bản hiện hành đều quy định BĐBP là lực lượng chủ trì, phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cửa khẩu, để thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Còn lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, Chính phủ giao cho lực lượng Hải quan thuộc Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động của Hải quan, BĐBP là lực lượng phối hợp (quy định tại Điều 12; khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan năm 2014). BĐBP chỉ kiểm tra phương tiện vận tải, trong phạm vi khu vực biên giới và khu vực cửa khẩu, khi có căn cứ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá của các thế lực thù địch, một số loại tội phạm như: Ma túy, mua bán người, vũ khí,... qua biên giới, cửa khẩu.
“Như vậy, việc quy định BĐBP có quyền hạn “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, minh bạch, không chồng chéo với các lực lượng khác, cùng làm việc tại khu vực biên giới, cửa khẩu” – đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu Tuấn cũng cho biết, tại khoản 2, Điều 14 dự thảo Luật quy định, BĐBP có quyền hạn: “Tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; trong khi tại khoản 3 lại quy định quyền hạn của BĐBP: “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, có thể gộp hai khoản này lại thành 1 khoản cho ngắn gọn, tránh trùng lặp và dễ thực hiện./.
An Kỳ