Tiếng Việt | English

29/12/2015 - 10:12

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tại huyện Bến Lức, cử tri bức xúc về tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian gần đây có một số vụ thảm sát xảy ra. Cử tri kiến nghị pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc đối với các hành vi này. Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao trả lời các kiến nghị của cử tri. Cũng ngay tại buổi tiếp xúc này, phóng viên (PV) phỏng vấn nhanh Chánh án TAND tối cao để làm rõ thêm vấn đề nêu trên.

Ảnh: nguồn baoangiang online

PV: Xin ông cho biết về nguyên nhân những vụ án có hành vi thảm sát trong thời gian qua?

- Chánh án Trương Hòa Bình: Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi tàn ác, bạo lực, sát hại nhiều người, đối tượng thực hiện hành vi này là phi nhân tính, đó có thể là người có tâm tính ác độc, coi thường sinh mạng con người, nhưng cũng có thể có trường hợp là người có bức xúc nhất thời, bộc phát mà phạm tội. Tuy nhiên dù thế nào, xã hội phải lên án, pháp luật phải kịp thời nghiêm trị. Vấn đề này có những nguyên nhân xã hội của nó.

Nền kinh tế thị trường đem lại những mặt tích cực trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy KT-XH phát triển; đồng thời cũng có mặt trái. Đó là: Tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt, một bộ phận thiếu công ăn việc làm, nhịp sống nhanh, khiến con người dễ căng thẳng; sự phát triển nhanh của những dịch vụ, sự tự do kinh doanh khiến việc kiểm soát bị quá tải. Thực tế cho thấy, đối tượng phạm tội này thường là do nghiện ngập, gia đình buông lỏng giáo dục, lười lao động, đua đòi ăn chơi hưởng lạc,…

Nguyên nhân sâu xa là do nền tảng giáo dục đạo đức giữa gia đình - nhà trường - xã hội còn có những hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Một bộ phận giới trẻ lệch lạc về lý tưởng sống, bỏ học, lêu lổng, học đòi cái xấu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển ồ ạt của Internet, phim ảnh, trò chơi bạo lực, kinh dị, các tụ điểm giải trí không lành mạnh như karaoke, massage, quán nhậu, vũ trường cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sự hình thành nhân cách của giới trẻ. Khi giới trẻ thiếu sự giáo dục, kiểm soát, nhiễm những thói xấu, dần sa đà vào tệ nạn, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát dẫn đến hành vi phạm tội.

Còn đối với những băng nhóm tội ác, xã hội đen, có hành vi bắt cóc, cướp của, giết người, buôn người, tống tiền, buôn bán ma túy,… tức là những ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp. Đây chính là những đối tượng độc ác, phi nhân tính, chạy theo đồng tiền, bất chấp pháp luật. Chúng sẵn sàng trừng trị lẫn nhau, chống người thi hành công vụ hoặc gây ra các vụ thảm sát,… cần phải xử lý thật nghiêm minh, quyết liệt, trừng trị tận gốc.

PV: Thưa ông, quan điểm xét xử của Tòa án như thế nào để góp phần ngăn chặn loại tội phạm này?

- Chánh án Trương Hòa Bình: Luật pháp tất nhiên là phải nghiêm trị hành vi phạm tội này. Nhưng ở mỗi vụ án cụ thể, phải xem xét mục đích, động cơ, hoàn cảnh phạm tội của đối tượng để cá thể hóa hình phạt. Trong 7 tội danh bỏ mức án tử hình vừa được Quốc hội thông qua, thì tội giết người vẫn bị xử ở mức án cao nhất là tử hình.

Để ngăn chặn, loại bỏ khỏi xã hội hành vi phạm tội này, vấn đề là không chỉ có xét xử mới giải quyết được cơ bản tình hình. Xét xử của Tòa án là khâu cuối cùng của việc xử lý, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, công lý, bảo đảm công bằng trong xã hội, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Nhưng như tôi nói ở trên, cái gốc của vấn đề là cần tạo ra nhiều việc làm, đồng thời phải coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; tăng cường sự phối hợp giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho giới trẻ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; đẩy mạnh và có biện pháp đồng bộ trong quản lý nhà nước trên các mặt đời sống xã hội, nhất là về Internet, phim ảnh, các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn.

Song song với đấu tranh phòng ngừa và xử lý các tội phạm hình sự, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đối với các vụ án loại này, các Tòa án khẩn trương thụ lý, kịp thời đưa ra xét xử nhanh chóng và nghiêm minh, mở các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án, góp phần tích cực trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường và nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm trong xã hội.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Hằng năm, số lượng vụ án dân sự tăng rất nhanh. Trong năm 2015, TAND các cấp thụ lý giải quyết gần 400.000 vụ, trong đó hơn 2/3 là án dân sự, tỷ lệ giải quyết 92,6%. Cứ mỗi năm như vậy, án dân sự tăng khoảng 10-15%. Tất nhiên, số lượng án còn lại gần 8% (số án này chủ yếu còn trong thời hạn luật định, tức là Tòa án mới thụ lý cuối năm, còn trong thời hạn giải quyết; có một số vụ tạm đình chỉ do những nguyên nhân khách quan, ví dụ như: Giám định, định giá chưa có kết quả, đang chờ các tài liệu, hoặc ý kiến, kết luận của các cơ quan khác hoặc ủy thác tư pháp với nước ngoài nhưng chưa được trả lời,... Trên thực tế, cũng còn một số ít vụ việc ở các Tòa án địa phương, có số việc thụ lý rất lớn còn để án quá hạn luật định). TAND tối cao đã chỉ đạo các Tòa án các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết rốt ráo, không để xảy ra án quá hạn luật định.

Mỹ Tho-Trường Giang (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết