Tiếng Việt | English

21/03/2017 - 08:51

Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

Phong trào “Đồng hành với thanh niên (TN) lập thân, lập nghiệp” được các cấp, các ngành quan tâm. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho TN nông thôn, phong trào còn phát huy sức trẻ vào việc phát triển KT-XH của địa phương.


Anh Hậu giới thiệu loại giỏ nhựa 18 dây, một người thợ lành nghề mất khoảng 1 giờ để hoàn thành sản phẩm, tiền công 8.000 đồng

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay

20 năm gắn bó với nghề đan giỏ nhựa, anh Lê Phát Hậu, ngụ ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An không chỉ là TN sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 17 tuổi, anh Hậu là một trong những thợ đan giỏi tại địa phương. Lúc bắt đầu, anh chỉ đan mướn cho những hộ khác, công việc không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Không chùn bước trước khó khăn, anh mạnh dạn mang sản phẩm của mình đi chào hàng tại các địa phương nhằm tìm thị trường.

Năm 2011, anh bàn bạc với gia đình, quyết định vay 185 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất. Đến nay, sản phẩm của anh Hậu có mặt khắp các tỉnh Nam bộ, Tây Nguyên và một phần của miền Trung (từ Huế vào đến Ninh Thuận). Mỗi tháng, thu nhập bình quân của gia đình khoảng 1 tỉ đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động trên địa bàn tỉnh (mỗi tháng thu nhập 3 triệu đồng/người).

Đối với nghề đan giỏ nhựa, kỹ thuật không quá phức tạp, lao động chỉ cần bỏ ra 10 ngày để học sẽ thành thạo. Có rất nhiều loại sản phẩm giỏ khác nhau tùy yêu cầu của các cơ sở, 1 thợ lành nghề mất khoảng 1 giờ để đan xong giỏ nhựa lớn loại 18 dây. Anh Hậu còn phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp đào tạo nghề đan giỏ nhựa tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Đức Huệ, Bến Lức và TP.Tân An, mỗi lớp từ 30-35 người, chủ yếu là TN. Sau khi học, các lao động có nguyện vọng làm việc được anh Hậu hỗ trợ nguyên liệu, vận chuyển và thu mua sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước chia sẻ: “Trung bình hàng tháng, tôi kiếm thêm được 2,5 triệu đồng từ việc đan giỏ nhựa. Mỗi giờ hoàn thành 1 giỏ nhựa loại lớn, tiền công được 8.000 đồng và có thể tranh thủ làm vào những lúc rảnh rỗi”.

Bí thư Huyện đoàn Cần Đước - Võ Thành Ngon cho biết: “Trên địa bàn có nhiều mô hình TN nông thôn phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay được các TN sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn giới thiệu để TN nông thôn vào làm trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn với thu nhập ổn định”.


Mô hình đan giỏ nhựa tạo việc làm cho khoảng 500 lao động, mỗi tháng thu nhập thêm khoảng 3 triệu đồng (trong ảnh thanh niên cắt dây chuẩn bị đan giỏ)

Từ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tỉnh đoàn xét cho thanh niên vay khoảng 260 tỉ đồng. Từ nguồn vốn Trung ương đoàn hỗ trợ về giải quyết việc làm xét cho thanh niên vay khoảng 835 triệu đồng (gồm những dự án lớn và đánh giá hiệu quả). Hai nguồn vốn trên hỗ trợ tích cực, giúp nhiều thanh niên nông thôn vươn lên, ổn định cuộc sống. Năm 2016, Tỉnh đoàn phối hợp các đơn vị liên quan tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho khoảng 25.000-30.000 lượt thanh niên.

Phát huy sức trẻ

Để phát huy sức trẻ, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương, ngoài hướng dẫn TN nông thôn nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, Tỉnh đoàn còn triển khai xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng địa phương mà tiêu biểu là mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi gà rừng lai của anh Võ Văn Ngân, ngụ ấp An Ninh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM năm 2008, anh Ngân quay về địa phương phát triển sản xuất. Trong một lần theo bạn về quê Đồng Tháp, anh được giới thiệu mô hình nuôi ếch sinh sản và áp dụng nuôi tại Đức Hòa. Qua khảo sát thị trường, anh Ngân kết hợp nuôi ếch sinh sản và nuôi gà rừng lai, tăng thu nhập.

Do chưa nắm kỹ thuật nuôi ếch, lúc đầu sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ ếch bị chết khá cao. Với ý chí của TN, anh Ngân từng bước tìm kiếm các giải pháp khắc phục. Ngoài việc học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi, anh thường xuyên lên mạng để tìm hiểu, học hỏi trên các diễn đàn chăn nuôi. Sau thời gian nghiên cứu, anh thành công khi ươm 1.000 con nòng nọc thành ếch thương phẩm.

Niềm vui như được nhân đôi khi anh mạnh dạn đầu tư phát triển 1.000 cặp ếch bố mẹ, cho sinh sản, bán ếch giống thu lại lợi nhuận khá cao. Mùa sinh sản của ếch thường từ tháng 3-11 âm lịch. Số lượng ếch giống mỗi tháng của gia đình hơn 100.000 con. Song song đó, mô hình nuôi gà rừng lai đạt hiệu quả, từ 2 con gà rừng ban đầu, hiện nay, đàn gà của gia đình anh có thời điểm lên đến vài chục con.

Trước sự phát triển của Internet, anh Ngân bắt đầu bán hàng online và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Đặc biệt, mô hình của anh được Thành đoàn Đà Nẵng đặt hàng và giới thiệu cho TN địa phương khởi nghiệp. Do sức khỏe, đôi chân bị tật, việc đi lại tương đối khó khăn, mỗi khi khách đặt hàng, anh Ngân ghi chép cẩn thận vào sổ từng đơn hàng, phân loại cụ thể để gửi sản phẩm cho xe khách hoặc máy bay theo đúng địa chỉ. Anh còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho hơn 10 hộ nuôi ếch và 20 hộ nuôi gà rừng lai tại ấp. Mỗi năm, anh thu về lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng.

Anh Ngân tâm sự: “Ở vùng quê nghèo, nhiều TN địa phương bỏ ruộng, vườn để làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Bản thân mình cũng mong muốn như vậy, tuy nhiên, sức khỏe không tốt, đôi chân bị tật nên không cho phép mình làm được như vậy. Vì thế, bản thân luôn phải tìm cách vượt lên, tạo công việc phù hợp, phát triển kinh tế, tránh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Hiện tại, tôi vừa bán hàng theo cách truyền thống, vừa phát triển việc bán hàng qua mạng”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Nguyễn Hoài Thanh thông tin: “Tạo việc làm cho TN nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào TN. Tỉnh đoàn luôn triển khai, nhân rộng nhiều mô hình để TN nông thôn lập nghiệp. Chúng tôi phối hợp các đơn vị liên quan để tư vấn, hướng nghiệp phù hợp với từng TN. Nhiều TN địa phương được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn."

"Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn TN tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ để phát triển sản xuất, hiện Tỉnh đoàn quản lý 2 nguồn vốn (nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và nguồn vốn từ Trung ương đoàn hỗ trợ về giải quyết việc làm). Các nguồn vốn được các TN vay lập nghiệp sử dụng hiệu quả, nhiều TN nông thôn nghèo, khó khăn về vốn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, một số ngành nghề đào tạo việc làm cho TN nông thôn chưa thực sự phù hợp, nguồn vốn hỗ trợ còn ít, chưa đáp ứng được mong mỏi của TN.” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Nguyễn Hoài Thanh cho biết thêm./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết