Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trần Công Thành
|
Ông Trần Công Thành - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Đại đội phó, Đại đội trưởng Đại đội bộ đội địa phương huyện Đức Hòa, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch tại huyện Đức Hòa năm 1968
Vào thời điểm chiến dịch nổ ra, khi ấy, lực lượng Mỹ - ngụy đóng quân trên địa bàn huyện Đức Hòa rất nhiều, chia thành một tiểu khu đóng tại thị xã Khiêm Cương (Hậu Nghĩa), 2 chi khu đóng tại thị trấn Đức Hòa và Nhà máy Đường Hiệp Hòa với Trung đoàn 46, Sư 25 quân ngụy và lực lượng bảo an. Bên cạnh đó, tại tiểu khu luôn thường trực 2 đại đội ngụy, mỗi chi khu có 1 đại đội ngụy, trên địa bàn tỉnh Hậu Nghĩa còn có trên 30 trung đội nghĩa quân và 5 đại đội pháo binh với 5 cụm pháo từ 105-125mm. Ngoài ra, quân Mỹ thường xuyên duy trì trên đất Đức Hòa 1 trung đoàn xe tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và sau tăng cường thêm Trung đoàn Thiết giáp Độc lập 11. Về phía ta, chuẩn bị cho chiến dịch, lực lượng bộ đội địa phương huyện chỉ có 1 tiểu đoàn mới được thành lập từ 3 đại đội kết hợp cùng 1 trung đội công binh và 1 trung đội trinh sát. Hầu hết vũ khí của quân ta đều là thô sơ và những chiến lợi phẩm thu được của quân ngụy. Hiện đại nhất của quân và dân Đức Hòa cũng chỉ có Đại đội Pháo binh Cối 82. Thế nhưng, giờ khắc của chiến dịch bắt đầu, lực lượng bộ đội địa phương huyện Đức Hòa phối hợp các đội du kích tại các xã đồng loạt nổ súng với khí thế hừng hực quyết tâm thực hiện một trận đánh lớn vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực thẳng tiến về Sài Gòn. Rạng sáng mùng 1 tết, không riêng thị trấn Đức Hòa, tiếng súng của quân ta vang vọng trên khắp các đồn bót của địch, nơi nào có địch là nơi ấy có tiếng súng tấn công. Gần 7 ngày đầu của chiến dịch, quân địch chỉ biết co cụm cố thủ, không thể tổ chức phản công.
Trên thực tế, những trận đánh ác liệt nhất tại Đức Hòa diễn ra vào đợt 2 trong chiến dịch. Lúc bấy giờ, địch vừa củng cố lại lực lượng, vừa tổ chức càn quét trên khắp địa bàn nhằm đẩy lùi lực lượng bộ đội ta. Trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông, địch huy động đội tàu chiến hiện đại, liên tục tổ chức quần thảo nhằm tìm kiếm cũng như phá vỡ và chia cắt lực lượng bộ đội với các căn cứ trong lòng dân. Đêm ngày 05, rạng ngày 06-5-1968, quân ta quyết định chủ động phản công địch với lực lượng bộ đội chủ lực gồm Tiểu đoàn 267B và Tiểu đoàn 16 của Bộ Tư lệnh Miền tăng cường phối hợp cùng bộ đội địa phương đánh trực tiếp vào thị xã Hậu Nghĩa, chiếm một phần tỉnh lỵ
Hậu Nghĩa. Đến đêm ngày 06/5/1968, trước sức kháng cự mạnh của quân địch, quân ta quyết định rút lui để bảo toàn lực lượng. Đến sáng ngày 07/5/1968, khi hay tin ta rút quân, Trung đoàn Thiết giáp Độc lập 11 của địch đóng tại Mỹ Hạnh liền bọc bám theo và nổ súng tại địa điểm xã Tân Phú bây giờ. Trước tình thế nguy cấp, 5 đồng chí thuộc Tiểu đoàn 267B quyết định ở lại tổ chức phản công để lực lượng chủ lực rút lui an toàn. 5 người con anh hùng của Tiểu đoàn 267B ấy gồm 1 chính trị viên, 1 trợ lý tác chiến tiểu đoàn, 1 y sĩ và 2 chiến sĩ trinh sát tổ chức mật phục, chờ quân địch tới. Khi đoàn xe tăng của địch chỉ còn cách chừng 50 mét, cả 5 đồng chí đồng loạt nổ súng khiến 2 xe tăng của địch bốc cháy, 3 xe đứt xích tại chỗ, quân địch khiếp vía, hoàn toàn không dám tiến công và tổ chức rút lui. Đến đêm ngày 11, rạng sáng 12/5/1968, khi bộ đội chủ lực lùi ra ngoài, quân ta lúc ấy được bổ sung lực lượng gồm Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 kết hợp cùng bộ đội địa phương tổ chức tấn công vào nơi đóng quân của Trung đoàn Thiết giáp Độc lập 11 của địch tại Bàu Tràm, Mỹ Hạnh. Từ yếu tố bất ngờ, mưu trí, dũng cảm, quân ta tiêu diệt, phá hủy 96 xe tăng và gần như xóa sổ Trung đoàn Thiết giáp Độc lập 11 của địch, đồng thời tổ chức rút lui, bảo đảm an toàn lực lượng. Từ các trận đánh trong chiến dịch tại Đức Hòa, Long An đóng góp thêm vào sự thành công chung của toàn chiến dịch, đưa cuộc chiến bước sang giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề chiến tranh tại Việt Nam. Với thắng lợi của Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khẳng định, chiến thắng trên chiến trường là điều kiện tiên quyết đi đến thắng lợi trên bàn đàm phán. Từ chiến dịch này, uy tín của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao, trên khắp thế giới nở rộ phong trào đấu tranh, biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và là bước đệm quan trọng để cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Được sống trong độc lập, tự do như hôm nay, tôi mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân luôn biết phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết cùng nhau đưa quê hương, đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Đại tá Trần Xuân Hòa
|
Đại tá Trần Xuân Hòa - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Hòa, người trực tiếp tham gia chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968
Năm 1968, tôi vừa tròn 19 tuổi, làm nhiệm vụ thông tin, vận động cho lực lượng bộ đội địa phương huyện Đức Hòa, phụ trách khu vực Hòa Khánh, Hựu Thạnh và Tân Phú.
Trước khi bước vào chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng bộ đội địa phương huyện Đức Hòa chỉ có 1 đại đội với vũ khí thô sơ; sau đó, thành lập thêm 2 đại đội để hợp nhất thành Tiểu đoàn bộ đội địa phương của huyện với quân số hơn 500 quân. Khi hay tin mở chiến dịch, anh em vô cùng phấn khởi, sẵn sàng đợi lệnh tấn công với mục tiêu giải phóng thị trấn Đức Hòa. Khi có hiệu lệnh, tiếng súng vang rền đồng loạt đánh vào các đồn bót của địch đóng trên địa bàn huyện. 2 tiếng đầu của chiến dịch, quân địch hoàn toàn bất ngờ nên rút lui cố thủ. Sau đó, địch củng cố lại lực lượng bắt đầu phản công. Từng mét đất, từng căn nhà đều là những điểm giao tranh ác liệt của cả hai phía.
Sau gần 7 ngày giao tranh, cầm chân địch để bộ đội chủ lực có thời gian đồng loạt tiến công về Sài Gòn, quân ta buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng và tổ chức đánh du kích. Cả năm 1968 đều là những ngày tháng đấu tranh anh dũng của quân và dân Đức Hòa. Tuy kết quả không như mong đợi nhưng cuộc tổng tiến công vào đô thị tại Đức Hòa của bộ đội địa phương tạo tiếng vang lớn, nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Lần đầu tiên, bộ đội địa phương có thể tổ chức một trận đánh lớn, rộng khắp và trực tiếp đánh vào cơ quan đầu não của địch. Đây được xem như một cuộc tập dượt lớn của lực lượng vũ trang Đức Hòa, giúp lực lượng của huyện trưởng thành hơn về mọi mặt cũng như kinh nghiệm trong hiệp đồng tác chiến và là tiền đề để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
50 năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhìn lại cuộc cách mạng của dân tộc, tạo tiền đề cho quê hương, đất nước ngày càng đổi mới, vượt xa mong đợi của những cựu chiến binh như chúng tôi năm xưa. KT-XH ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng phủ khắp cả tỉnh, cuộc sống của người dân dần được nâng cao, ước mong về một đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trở thành sự thật. Hy vọng rằng, với truyền thống anh hùng trên quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như ước vọng của các thế hệ anh hùng ngã xuống để đổi lấy hòa bình, thống nhất hôm nay.
Ông Tư Đô Lương kể lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
|
Ông Lê Văn Được (bí danh Đô Lương), 89 tuổi, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước:
Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp khi chưa tròn 20 tuổi. Trải qua 2 cuộc chiến, tôi giữ nhiều chức vụ trong quân đội, từ chiến sĩ trẻ đến chức Tiểu đội phó Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tiểu đội phó Trinh sát tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Biên Hòa ngày nay), được tổ chức phân công công tác hợp pháp đội biệt động thị trấn Cần Đước, Trung đội trưởng Tiểu đoàn 508, Trung đội trưởng C231 cơ động Long An, Đại đội trưởng Đại đội C315, Chỉ huy trưởng huyện đội Cần Đước, Phó Chủ nhiệm hậu cần Phân khu 3. Sau năm 1975, tôi làm Phó Chủ nhiệm hậu cần Long An rồi về làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước cho đến lúc nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.
Cách đây 50 năm, tôi là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước. Sắp đến Tết Nguyên đán 1968, tôi cho anh em xuống các xã đón tết cùng người dân. Anh em vừa đến nơi, tôi lại nhận được mệnh lệnh khẩn từ trên gấp rút tập trung lực lượng để chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy đúng dịp Tết Mậu Thân. Tình hình vô cùng khẩn cấp, các binh lính và chiến sĩ nhanh chóng di chuyển bằng đường sông từ hướng Phước Tuy, Tân Ân và một vài xã vùng thượng về chuẩn bị sẵn sàng tiến công vào Dinh Quận của địch tại thị trấn Cần Đước. Ngay ngày hôm sau, tôi cho anh em ngụy trang đi chợ Cần Đước để nghe ngóng tình hình. Đúng giờ G, rạng sáng 01/02/1968, vừa qua giao thừa (rạng ngày mùng 1 tết), 3 mũi giáp công của Cần Đước bất ngờ nổ súng...
Dù đợt 1 của trận Mậu Thân không hoàn thành nhiệm vụ đề ra nhưng tôi nghĩ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bởi lúc bấy giờ, so sánh tương quan lực lượng của ta còn ít, vũ khí trang bị trong đợt 1 còn thô sơ và chưa đủ sức đương đầu với địch. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sĩ của ta đều với tinh thần dũng cảm, kìm được chân địch, đánh bất ngờ, làm lung lay tinh thần của chúng. Cuộc chiến Mậu Thân 1968 theo nhận định của Trung ương Cục miền Nam hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng là “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng”.
Tôi cho rằng, một trong những thắng lợi quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới, giành thế bất ngờ,... Tôi mong rằng, thế hệ trẻ phát huy tinh thần xung kích, noi gương các anh hùng cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” ghi dấu năm tháng hào hùng của quân và dân Long An
Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta cùng nhìn lại, khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến dịch, để càng thêm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hôm nay./.
N.Nhi - Minh Nhật (ghi)