Tiếng Việt | English

12/09/2017 - 11:33

Thêm yêu biển, đảo quê hương

Các tư liệu, hiện vật,… được trưng bày tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam không những là những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng mà qua đó, cán bộ, người dân, nhất là thế hệ trẻ càng tự hào, thêm yêu biển, đảo quê hương và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Từ những bằng chứng lịch sử và pháp lý

Năm 2015, tỉnh Long An được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Đây là hoạt động thông tin, tuyên truyền quan trọng, góp phần cung cấp chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các chứng cứ này thêm một lần nữa khẳng định, từ rất lâu, ông cha ta đã thực thi quyền làm chủ đối với 2 quần đảo này; đồng thời, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển, đảo khác trên biển Đông.

Triển lãm và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền biển, đảo quê hương cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội

Nhằm góp phần tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam, Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” lần lượt ở 14 huyện, thị xã trong tỉnh. Sau thị xã Kiến Tường và huyện Cần Đước tổ chức vào năm 2016, huyện Cần Giuộc là nơi triển lãm thứ 3 và lần lượt đến các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ,... Với trên 150 bản đồ, tranh ảnh, tư liệu liên quan đến quá trình xác lập, thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ thế kỷ XVII đến XX, đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869) - nhà Địa lý học người Bỉ, biên soạn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ quân chủ cho đến hiện nay khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển, đảo khác trên biển Đông. Đó là quá trình lịch sử lâu dài, liên tục, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là những tư liệu thành văn, bản đồ được công bố ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới, kể cả Trung Quốc, suốt từ thế kỷ XVI đến nay. Chẳng hạn, trong những bản mô phỏng các tập bản đồ: Trung Quốc toàn đồ xuất bản năm 1917, Trung Hoa bưu chính dư đồ xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 và một tập tái bản tại Nam Kinh năm 1933, tập bản đồ Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908,... thì không có bản đồ nào đề cập Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Còn bản đồ Partie De La Chine (trang 109, tập II trong bộ Atlas Universel) vẽ phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc bao gồm tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam và 3 cụm đảo ở phía Đông đảo Hải Nam, chỉ giới hạn trong phạm vi phía Bắc vĩ tuyến 18o, không bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17o. Đây là chứng cứ khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc.

Còn trên bản đồ vẽ hình thể nước ta thời Nguyễn (1802-1945) trong sách Khải Đồng thuyết ước, ở ngoài khơi vùng biển miền Trung có ghi địa danh “Hoàng Sa chử: bãi Hoàng Sa”. Sách Khải Đồng thuyết ước do Phạm Vọng soạn, Ngô Thế Vinh nhuận sắc, biên soạn năm 1853, khắc in lần đầu vào năm 1879 đời vua Tự Đức, làm sách giáo khoa tiểu học. Việc đưa địa danh Hoàng Sa vào sách cho thấy, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và việc giáo dục ý thức chủ quyền được triều Nguyễn xem trọng. Và, ý thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng ấy của người Việt Nam như một sợi dây nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhân lên tình yêu biển, đảo

Tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Phan Thị Kim An, ngụ phường 1, TP.Tân An biết đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam qua lời dạy của thầy cô. Nhưng, kiến thức biển, đảo khi ấy còn hạn hẹp. Sau lần xem triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ở Nhà Thiếu nhi tỉnh vào năm 2015, Kim An hiểu sâu sắc hơn 2 quần đảo này của Tổ quốc. Kim An nói: “Được tận mắt xem những bản đồ, thư tịch trưng bày trong triển lãm, tôi biết được quá trình cư dân người Việt khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là những cơ sở pháp lý tin cậy, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tôi thấy tự hào và quyết tâm chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi sẽ tuyên truyền cho bạn bè, người thân về chủ quyền biển, đảo từ những hiểu biết mà bản thân tìm hiểu qua cuộc triển lãm”.

Còn Nguyễn Phước Cao Kỳ - học sinh lớp 10A1, Trường THPT Cần Giuộc, để lưu giữ những kiến thức, sự hiểu biết về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, em ghi chép cẩn thận những gì “mắt thấy, tai nghe” trong lúc nghe thuyết minh về 2 quần đảo này tại cuộc triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cần Giuộc. “Ngoài bản đồ địa lý trong chương trình học ở trường, em còn tự tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam qua thời sự, các trang trên Internet. Nhưng, khi xem nhiều loại bản đồ trong, ngoài nước mang tính lịch sử từ xưa đến nay trong cuộc triển lãm, em càng tự hào, thêm yêu biển, đảo quê hương và ý thức sâu sắc việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thế hệ cha ông hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo quốc gia thì thế hệ trẻ hôm nay phải gìn giữ và xem đó là trách nhiệm. Vì thế, em tự nhủ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải học giỏi, chăm ngoan và khi trưởng thành phải là công dân tốt, sống có ích để tiếp bước truyền thống ông cha” - Cao Kỳ chia sẻ.

Không riêng giới trẻ, qua triển lãm, cán bộ, người dân cũng nâng cao hơn nữa ý thức về chủ quyền biển, đảo. Đó là ông Châu Văn Mẫn, 60 tuổi, ngụ khu phố 4, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, dù bận rộn với ruộng đồng nhưng vẫn dành thời gian đến xem triển lãm. Ông nói: “Mấy hôm trước, tôi cứ đợi đến ngày triển lãm để xem, tìm hiểu những bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Triển lãm là hoạt động ý nghĩa và vô cùng quan trọng nhằm đưa những bằng chứng chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của đất nước ta. Từ đó, mọi người hiểu, cùng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển, đảo và làm tròn trách nhiệm công dân của mình với quê hương”.

Trong những cuộc triển lãm ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên khẳng định: “Hoạt động này góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, qua đây cũng góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tổ chức, quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững”.

Có thể nói, những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày, giới thiệu nhân thêm tình yêu biển, đảo quê hương đối với người dân, trong đó có thế hệ trẻ. Từ đó, mọi người hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết