Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Theo dấu chân Hàn

Bãi tắm Hoàng Hậu dưới chân Ghềnh Ráng

Một buổi sáng trời trong xanh, biển trong xanh và đầy nắng, sau khi lên Ghềnh Ráng viếng mộ Hàn Mặc Tử, tôi theo lối mòn dọc triền núi với những tảng đá nép vào bóng cây um tùm và lần xuống chân núi, leo lên một tảng đá cao để ngắm thành phố Quy Nhơn như vòng tay dang rộng ôm lấy bầu biển xanh bát ngát. Các quán cà phê ẩn trong những lùm cây và đá tảng chất chồng ven chân núi không ngớt vọng ra tiếng nhạc lẫn vào tiếng sóng biển vỗ lên chân núi đá rì rầm. Ở đây người ta hay mở các bản nhạc về Hàn Mặc Tử. Bên tai tôi thoảng qua câu hát “…Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi. Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón bước chân chàng đến…”. Tiếng hát sao mà man mác xoáy vào lòng tôi. Tôi nhìn quanh quất Ghềnh Ráng, nơi này có in dấu chân Hàn? Cả cái Dốc Mộng Cầm đầy sỏi đá từ mé biển đi lên khu mộ Hàn kia nữa có còn hằn dấu chân nhà thơ? “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua…”. Tiếng hát làm tôi nhớ Lầu Ông Hoàng trên đồi Banai ở ngoại ô thành phố Phan Thiết mà tôi đã từng đến. Đó là một phế tích dinh thự đầy bê-tông, gạch vụn đổ nát phủ quanh chân cái lô-cốt rêu phong. Theo cô hướng dẫn viên thuyết trình thì đây là nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử thường đưa người tình Mộng Cầm đến chơi. Một mối tình trong trẻo, tròn trịa như vầng trăng từ biển nhô lên. Để rồi “…tang thương còn lại mảnh trăng rơi” và Hàn đã cất lên tiếng thơ đau đớn: “Ta đến nơi, nường ấy vắng lâu rồi/Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ/Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng”.

Lầu Ông Hoàng nằm trên một mỏm đồi nhìn xuống biển Phú Hải (Phan Thiết). Ngày xưa, nơi này cây rừng bao phủ, có nhiều loài động vật hoang dã khiến ông Hoàng Ferdinand F. dOrléans, tức Công tước De Montpensier đang sống ở Sài Gòn rất mê săn bắn đã phải cất công ra đây rồi vì mê phong cảnh sơn thủy hữu tình ở đây mà nhà quý tộc đã không tiếc tiền của bỏ ra xây một ngôi biệt thự kiểu lâu đài nguy nga, tráng lệ ở nơi chốn tuyệt vời thơ mộng này. Thế nhưng ngài Công tước chỉ hưởng được một thời gian rất ngắn là đã lìa trần. Biệt thự đổi chủ, trở thành điểm du lịch của giới thượng lưu, rồi chuyển sang Chính phủ Bảo hộ làm nơi nghỉ mát cho quan chức Pháp, rồi lại chuyển vào tay vua ăn chơi Bảo Đại. Tới chừng thực dân Pháp quay đầu lại (1946) lầu Ông Hoàng biến thành pháo đài với lô-cốt (Blockhaus) kiên cố để khống chế lực lượng kháng chiến của ta. Và rồi, chỉ qua năm sau (1947), một lực lượng của ta đã đánh sập toàn bộ căn cứ này của Pháp. Sang thời Mỹ, nơi đây chỉ còn là cái tháp canh chơ vơ giữa bốn bề hoang phế. “…Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang/Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết! Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi…”- Hàn đã kêu lên, gào lên. “Mi là nơi ta chôn hận ngàn thu/Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư…”.

Phòng lưu niệm Hàn Mạc Tử ở Bệnh viện phong Quy Hòa (Quy Nhơn)

Tôi bước lên từng tảng đá dọc triền núi. Không biết có dấu chân Hàn ở đây không. Bất chợt tôi gặp một bãi đá mà mỗi hòn đều mang hình quả trứng gà sáng bóng từ dưới mé biển trồi lên, chồng lên tới chân núi. A, bãi tắm Hoàng Hậu! Bấy lâu chỉ “thấy” trong sách, bây giờ mới tận mắt thấy đây! Bãi tắm một thời của vợ vua Bảo Đại, còn gọi bãi Đá Trứng vì đá xanh, đá hoa cương do sóng đánh mòn nhẵn thành hình quả trứng gà. Gió lộng. Tiếng sóng vỗ lên đá rì rầm. Từ đây nhìn suốt tới mỏm núi Quy Hòa phong cảnh hữu tình đủ níu cả tấm lòng nhà khoa học lừng danh ở trời Âu: GS.TS Trần Thanh Vân, người đã xây khu nhà Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) trên bãi biển Quy Hòa, nơi đã từng diễn ra các cuộc gặp gỡ Việt Nam giữa các nhà bác học, khoa học lừng danh thế giới. Nghe nói GS.TS Trần Thanh Vân còn đang chuẩn bị khởi công xây dựng khu nhà Tổ hợp không gian khoa học ở bãi biển Quy Hòa kia nữa.

Và tôi đã đến nơi ở cuối cùng của Hàn thi sĩ nằm bên kia dãy núi Ghềnh Ráng, trên bãi biển Quy Hòa với cát trắng mịn và những hàng thùy dương ngày đêm rì rào ru với gió.

Đó là một khu làng không giống những làng chài quen thuộc ở miền Trung, mà ở đây các kiến trúc đều theo phong cách người Pháp, chỉ khác là điểm vào đó những bóng dừa lão cao lêu khêu. Tôi bỗng ước mai này sẽ có đường đi từ Dốc Mộng Cầm ở đầu Ghềnh Ráng đến tận làng phong Quy Hòa ở cuối Ghềnh Ráng, thành tuyến du lịch theo dấu chân Hàn đầy lãng mạn. Ở mặt trước làng phong nhìn ra biển là vườn tượng với đủ tượng bán thân của các vị danh y Việt Nam và thế giới. Mênh mông quá. Tôi chỉ rảo qua vài hàng tượng, rồi bước vào bên trong làng phong, sạch, mát như công viên. Đã đến đây thì phải vào căn phòng Hàn Mặc Tử nằm ở đầu một dãy nhà dành cho bệnh nhân, trước phòng có đính bảng “Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử”.

Tôi bùi ngùi bước vào căn phòng và nhìn lên bốn bức tường treo mắc những hình ảnh, những bản thảo của Hàn được lồng vào khung kính. Chao ôi, nét chữ viết tay của người bệnh phong mới đau khổ làm sao! “Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến/Thịt da tôi sượng sần và tê điếng/Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…” (Hồn là ai). “Máu đã khô rồi, thơ cũng khô/Tình ta chết yểu tự bao giờ?/Từ nay trong gió, trong mây gió/Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ” (Trút linh hồn), và còn, còn nữa những trang bản thảo viết tay lưu bút tích của Hàn thi sĩ trong những ngày đêm cuối cùng ở trại phong Quy Hòa trước khi “trút linh hồn” vĩnh viễn. Trong lời bình của mình, nhà thơ Kiều Văn đã viết: “Càng bị bệnh tật hành hạ khốc liệt, quyền sống làm người càng bị bóp nghẹt, Hàn Mặc Tử càng yêu điên cuồng thế giới này. L.Tolstoy từng nói: “Khó khăn hơn cả và hoan lạc hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình”. Và, “bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kỳ nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quý báu với nhiều bài thơ “thần bút”. Nhà thơ tài hoa bạc phận ấy đã lay động biết bao trái tim yêu thơ phải nhỏ lệ vì những vần thơ như thế.

Ngày nay, ai có đến thành phố biển Quy Nhơn xin đừng quên lên viếng mộ Hàn trên đỉnh Dốc Mộng Cầm - Ghềnh Ráng. Và cũng nên đi tham quan trại phong Quy Hòa với biển trời, rừng núi thật nên thơ. 

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết