Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 14:51

Thông tin và hỏi - đáp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được 3 tháng. Tôi mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Vậy thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của tôi được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 26 Luật BHXH thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần;

- Hết thời han hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a, khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Căn cứ quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp của ông/bà thì thời gian hưởng chế độ ốm đau được tính như sau:

- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần;

- Trường hợp sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì ông/bà được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 3 tháng.

Do vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của ông/bà là 180 ngày và 03 tháng.

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi thời gian tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 78 và Điều 64 của Luật BHXH thì người đang hưởng lương hưu bị tạm dừng hưởng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Xuất cảnh trái phép;

- Bị tòa án tuyên bố là mất tích;

- Có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật.

Lương hưu được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu còn được truy lĩnh tiền lương hưu kể từ thời điểm dừng hưởng/.

BHXH tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết