Tiếng Việt | English

19/02/2023 - 13:58

TP.HCM muốn nắn Vành đai 4 để tiết kiệm 4.000 tỉ đồng

UBND TP.HCM vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT về tình hình triển khai hai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo UBND TP.HCM, tuyến đường Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa -Vũng Tàu. Mỗi địa phương sẽ chủ trì thực hiện đoạn đi qua địa bàn. Tại TP.HCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hòa, Long An).

Sơ đồ tuyến Vành đai 4 TP.HCM theo quy hoạch. Ảnh: M.Q

Hiện nay, Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đang nghiên cứu, đề xuất 3 phương án để lấy ý kiến, lựa chọn phương án tối ưu thực hiện đường Vành đai 4 TP.HCM. Theo đó, sẽ có khoảng 669 căn nhà không phải di dời khi nắn đường Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM.

Phương án hướng tuyến 1: Thực hiện theo hướng tuyến quy hoạch, đi trùng đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo... qua huyện Củ Chi. Trên thực tế, đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km ở huyện Củ Chi có nhiều nhà cửa, công trình.

Tuy phương án có diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Do tuyến vành đai đi qua đường hiện hữu nên khi triển khai thi công sẽ rất khó khăn về tổ chức giao thông. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án cũng cao nhất, gần 17.792 tỉ đồng 

Phương án hai, phần đầu tuyến dài khoảng 9,7 km sẽ nắn chỉnh về phía nam, tránh đường Bàu Lách và Nguyễn Thị Rành. Gần 4 km tiếp theo cũng nắn lại để tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo. Phương án tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Theo cách này, dự án giảm kinh phí đầu tư còn khoảng 13.800 tỉ đồng, trong đó tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.900 tỉ.

Phương án còn lại, tuyến được nắn chỉnh khoảng 14,1 km về phía nam để tránh các đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Tuyến cắt ngang qua khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Tổng kinh phí khoảng 13.600 tỉ đồng, trong đó, phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỉ. 

Sở GTVT TP.HCM đánh giá phương án 3 khả thi hơn khi tuyến đi thẳng, ngắn, chi phí đầu tư thấp hơn các hướng còn lại. Phương án này cũng hạn chế ảnh hướng người dân, vì chỉ di dời khoảng 481 căn nhà, công trình; trong khi phương án một cần giải toả 1.150 trường hợp, phương án hai khoảng 486.

Ngoài ra, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và đúng quy định.

Theo kế hoạch được các địa phương tuyến Vành đai 4 đi qua thống nhất, trong năm nay dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào quý 4 năm sau. Dự kiến, công trình cơ bản hoàn thành năm 2027, khai thác một năm sau đó.

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, UBND TP.HCM cho biết dự án đang được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. 

Bộ Quốc phòng cũng đã có góp ý hướng cao tốc đi qua đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM và Tây Ninh. Bộ Quốc phòng đề nghị TP.HCM phối hợp, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến của dự án để đảm bảo không ảnh hưởng đến đất quốc phòng, doanh trại đóng quân, công trình quốc phòng, kho tàng.

UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và làm căn cứ hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

TP.HCM sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060./.

Hà Mai/Thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết