Trên cơ sở phát huy những mặt tích cực đã làm được của các Kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới góp phần tăng tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường.
Cách chất vấn trong kỳ họp lần này là: “Hỏi nhanh, đáp gọn, mỗi đại biểu có 1 phút để nêu chất vấn. Còn người bị chất vấn có 3 phút để giải trình”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc đổi mới này là một bước đột phá trong hoạt động chất vấn, được cử tri cả nước đồng tình.
Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, mà còn tập trung bàn giải pháp, thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn
Chiếc ghế nóng của kỳ chất vấn lần này có Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội cùng các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Đó đều là những lĩnh vực còn tồn tại những bức xúc trong dư luận thời gian qua, từ câu chuyện trạm BOT, ô nhiễm môi trường, tiêu cực đất đai, cho đến chất lượng giáo dục đi xuống.
Những câu trả lời và phản biện của Bộ trưởng và đại biểu tại nghị trường đã phần nào giải tỏa được băn khoăn của cử tri, giúp cử tri đánh giá được năng lực của người đứng đầu các ngành.
Nhiều cử tri cho rằng, chất lượng phiên chất vấn được tăng lên, các Bộ trưởng thực sự bị “truy tới cùng” chứ không đơn giản là nói cho qua chuyện.
Đó là trường hợp Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, trong lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, số đại biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng áp đảo số câu hỏi nêu ra, trong đó rất nhiều phản biện khá “gay gắt” về trách nhiệm của Bộ trưởng với vấn đề tại các trạm thu phí BOT.
4 Bộ trưởng: Trần Hồng Hà, Nguyễn Văn Thể, Đào Ngọc Dung và Phùng Xuân Nhạ tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp
Đó là trường hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Thậm chí máy tính tại hội trường đã bị “treo” sau khi có quá nhiều đại biểu đăng nhập yêu cầu chất vấn.
Những đối đáp công khai và dân chủ như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình của các thành viên Chính phủ, giúp cho việc ban hành và thực thi chính sách hiệu quả và phù hợp hơn.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đăng đàn giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra và trực tiếp trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thể hiện rõ là một nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm, nhiều năm lãnh đạo ngành tài chính cùng phong thái tự tin. Phó Thủ tướng đã có những biểu đạt dứt khoát, mạnh mẽ.
Phần trả lời chất vấn của ông được các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao khi đi thẳng vào vấn đề, giải trình rõ nhiều thắc mắc các đại biểu nêu. Từ những vấn đề kinh tế mang tầm vĩ mô như quy hoạch phát triển kinh tế vùng, công tác phòng chống tham nhũng, cải cách tiền lương, tăng tuổi nghỉ hưu tới những vấn đề cụ thể như cà phê "pin", công tác cán bộ tại các Đặc khu…
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa phiên chất vấn tại kỳ họp này không có những vết sạn. Số lượng câu hỏi chất vấn nhiều, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy chất lượng một số câu hỏi còn chưa cao. Mặc dù ngay trước kỳ họp, Quốc hội đã giảm thời lượng hỏi từ hai phút xuống còn một phút, vẫn còn một số đại biểu hỏi lan man, chưa đúng trọng tâm, làm mất thời gian của các đại biểu khác.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Các đoàn đại biểu, cá nhân các đại biểu, cần phải trau dồi nhiều hơn, trao đổi với các chuyên gia của từng lĩnh vực trước khi nêu câu hỏi trên nghị trường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm
Bên cạnh các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng đã và đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận xã hội, đó là các vấn đề xung quanh Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu). Theo mô tả của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội: phản ứng của dư luận như "Một làn sóng khủng khiếp". "Làn sóng khủng khiếp" đó đã hướng về nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Một dấu hiệu cho thấy lòng nhiệt thành của nhân dân quan tâm đến công việc chung của đất nước; cho thấy ý tưởng Chính phủ kiến tạo đã có sức thu hút.
Đây cũng chính là một trong những dấu hiệu, thể hiện lòng dân đã tránh "Nhạt Đảng, Khô Đoàn, xa rời chính trị" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập tại Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra vào giữa tháng 12/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe, phản hồi, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe tất cả ý kiến khác nhau từ dư luận, theo đó Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và không còn thời hạn thuê đất đến 99 năm.
Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng tập trung thảo luận và cho ý kiến về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Cảnh sát biển Việt Nam, dự án Luật Trồng trọt. Đồng thời, biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Bước sang tuần làm việc cuối của kỳ họp, bên cạnh việc tập trung cho ý kiến về một số Dự án Luật quan trọng, Quốc hội sẽ dành thời gian biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Thể dục, thể thao và Luật Đo đạc và bản đồ./.
Văn Hiếu/VOV.VN