Tiếng Việt | English

23/11/2015 - 19:54

Ứng xử với lời góp ý

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển đã trao cho mọi người cơ hội giao lưu, chia sẻ.

Qua đó, người dân được thể hiện chính kiến của mình trước các vấn đề xã hội. Do vậy, việc xử phạt hành chính và xử lý kỷ luật những người liên quan ở An Giang khi bấm like và dám nhận xét chủ tịch tỉnh là “kênh kiệu, xa dân” đã lộ ra vấn đề cần bàn để ứng xử phù hợp hơn.

Quan chức là người đại diện cho quyền lực của nhân dân trong quản lý nhà nước, nhận lương từ tiền thuế của dân nên bị người dân chê trách chính xác thì phải tiếp thu, sửa đổi chứ không phải “đáp trả” bằng cách này hay cách khác.

Nếu quan chức thấy mình bị xúc phạm bởi thông tin trên Facebook của dân có thể sử dụng quyền khởi kiện ra tòa.

Trong trường hợp ở An Giang, ông chủ tịch tuyên bố không biết gì về sự việc trên Facebook (không biết sự việc thì làm sao thấy bị xúc phạm?) và không can thiệp gì thì tại sao nhiều cơ quan liên quan lại sốt sắng vào cuộc để xử lý một việc quá nhỏ?

Và sau sự kiện này, khi nhiều người trong cả nước đã phê bình, chỉ trích chủ tịch tỉnh trên mạng xã hội thì liệu rằng thanh tra Sở Thông tin - truyền thông tỉnh có tiếp tục ra quyết định xử phạt? Nếu không thì rõ ràng việc phạt ba người kia là không công bằng.

Điều ngạc nhiên là nhiều cơ quan ở An Giang đã vào cuộc bởi một sự kiện quá nhỏ trong hàng loạt vấn đề mà các cơ quan này được trao nhiệm vụ quản lý và cần hơn sự tích cực ấy.

Vì kéo theo sau sự tích cực ấy là những văn bản không đúng pháp luật của các cơ quan có liên quan như không cho giáo viên được like, bình luận các vấn đề liên quan đến chính trị (dù sau đó đã rút lại)... cho thấy một số cán bộ không cập nhật kiến thức về pháp lý, vi phạm quyền tự do, dân chủ hiến định.

Và đáng buồn hơn, đó là sự thờ ơ của nhiều cơ quan liên quan khi chậm trễ ngăn chặn hành vi không phù hợp của đồng nghiệp mình.

Bởi vì, việc người dân bình luận, phê bình quan chức là bình thường, thậm chí còn là điều tốt vì người dân vẫn còn quan tâm tới chính quyền.

Một xã hội mà người dân thờ ơ với các vấn đề chính trị có nghĩa là đang thờ ơ với chính tương lai của mình, đó mới là điều đáng lo lắng. Một khi người dân còn quan tâm, còn góp ý, còn phê bình là tích cực.

Ông Lê Kiên Thành - con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn - từng phát biểu: “Dân còn biết phẫn nộ, là phúc của dân tộc vẫn còn”.

Vì vậy, việc thu hồi các quyết định xử phạt, xử lý kỷ luật những người có liên quan để ít ra đem lại niềm tin cho người dân rằng quan chức khi thấy việc làm không phù hợp cũng biết sửa sai. Không nên vì việc đã lỡ mà đẩy câu chuyện đơn giản sang một sự kiện pháp lý phức tạp.

Thay vào đó nên đối thoại, giải tỏa vướng mắc, bức xúc của người dân khi thấy họ đưa lên Facebook. Làm được thế sẽ hợp tình, hợp lý hơn trong ứng xử giữa chính quyền với người dân.

Câu chuyện trên cũng cho thấy nhiều cán bộ công chức nhà nước chưa có phản ứng phù hợp với truyền thông và mạng xã hội. Đã đến lúc cần trang bị kiến thức pháp lý, các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ, công chức để không xảy ra những chuyện không đáng có./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết