Kiên trung giữa vòng vây quân địch
Trong ký ức của những người từng trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ - ngụy tại “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến”, đó là thời kỳ đầy khó khăn nhưng cũng rất oanh liệt và đáng tự hào. Chúng tôi tìm về nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hai (93 tuổi, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), dù sức khỏe của mẹ phần nào bị ảnh hưởng bởi tuổi cao nhưng khi nhắc lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ - ngụy, mẹ vẫn nhớ từng trận chiến, trận càn của địch và cả những lần mẹ cùng gia đình lén đưa thức ăn, nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hai
Mẹ cho biết: “Cuối năm 1966, đầu năm 1967, Mỹ - ngụy ồ ạt đổ quân xây dựng căn cứ tại Rạch Kiến với trang thiết bị, vũ khí hiện đại nhằm bẻ gãy phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi ở các địa phương trong huyện Cần Đước. Từ căn cứ Rạch Kiến, quân Mỹ - ngụy thường xuyên tổ chức bắn phá, càn quét, uy hiếp tinh thần của nhân dân các xã quanh khu vực Rạch Kiến.
Khi nghi ngờ gia đình nào có người theo cách mạng hay nuôi giấu cán bộ là quân địch thường xuyên cho người đến tra khảo, đe dọa. Nhưng người dân Cần Đước vẫn một lòng kiên trung theo cách mạng. Lớp trẻ thì tham gia du kích, bộ đội địa phương; người dân thường vừa lao động, vừa tham gia đấu tranh chính trị, biểu tình, phản đối kết hợp lực lượng bộ đội đấu tranh tiêu diệt quân Mỹ - ngụy. Ban ngày đấu tranh, ban đêm, phụ nữ trong xã tiếp tế lương thực cho bộ đội. Khó khăn, nguy hiểm nhưng phong trào đấu tranh của người dân luôn sục sôi, góp phần làm nên một vành đai diệt Mỹ oanh liệt của quân và dân Cần Đước”.
Một vành đai toàn dân đánh giặc
Với ông Tư Đô Lương (tên thật là Lê Văn Được) - nguyên Chỉ huy trưởng Đại đội Bộ binh huyện Cần Đước (C315), ký ức về vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là câu chuyện không bao giờ quên.
Theo lời ông Tư Đô Lương, căn cứ Rạch Kiến được xây dựng trên diện tích khoảng 160.000m2 với quân số rất lớn, gồm 1 tiểu đoàn bộ binh; 1 tiểu đoàn pháo binh được trang bị hàng chục khẩu pháo các loại; 1 đại đội công binh được trang bị nhiều phương tiện hiện đại như xe ủi đất, máy dò mìn; 1 đại đội trinh sát, 4 đại đội máy bay trực thăng; 1 chi đoàn xe bọc thép gồm 20 chiếc M113 và M118. Khu căn cứ còn được bố trí phòng thủ bằng 6 lớp rào dây thép gai đủ loại và 3 lớp mìn, thường xuyên có lính tuần tra, phục kích bên ngoài. Có thể nói, căn cứ Rạch Kiến khi ấy là một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ - ngụy tại miền Nam. Trong khi đó, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh được tăng cường, quân ta tại huyện Cần Đước chỉ có C315, 3 trung đội độc lập với quân số khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ và 5 trung đội du kích liên xã, mỗi trung đội khoảng 20 người. Mỗi xã cũng chỉ có 1 trung đội du kích tập trung và 1 đội biệt động tại thị trấn.
Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến ngày nay
Mặc dù không cân xứng về lực lượng, vũ khí nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, ta quyết định chọn cách xây dựng vành đai để đánh Mỹ với phạm vi 10 xã của huyện Cần Đước và 2 xã của huyện Cần Giuộc. Lực lượng của ta được bố trí, tổ chức vành đai gồm 3 tuyến với những nhiệm vụ cụ thể, được vạch ra cặn kẽ. Trong đó, tuyến 1 gồm lực lượng du kích liên xã Long Hòa và Tân Trạch - nơi quân địch đóng căn cứ với nhiệm vụ theo dõi và đánh địch bằng cách đào hầm chông, gài mìn, lựu đạn sát với căn cứ để tiêu hao sinh lực địch khi chúng vừa hành quân. Tuyến 2 gồm các xã xung quanh như Long Khê, Long Trạch, Phước Vân, Long Sơn, Mỹ Lệ do C315 và các đội du kích liên xã làm nòng cốt với nhiệm vụ thường xuyên bám sát các cánh quân càn quét của địch, đánh nhỏ, lẻ dưới nhiều hình thức, thực hiện đánh nhanh, rút gọn, bảo đảm an toàn quân số. Tuyến thứ 3 là vòng ngoài cùng gồm các xã: Long Cang, Long Định, huyện Cần Đước và xã Phước Lâm, Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, lực lượng gồm một phần bộ đội chủ lực của tỉnh kết hợp một số đội du kích liên xã và nhân dân đánh địch bằng nhiều hình thức kết hợp binh vận, địch vận, đấu tranh chính trị yêu cầu địch không được càn quét, rút căn cứ khỏi Rạch Kiến. Ngoài ra, tại các địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân còn đào hào với chiều dài hơn 10.000m để chống tăng, xe bọc thép của địch khi chúng tổ chức các cuộc càn quét.
“Vừa đánh, vừa rút kinh nghiệm, kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cần Đước đạt những kết quả ngoài mong đợi. Chưa đầy 1 tháng, hàng chục chiến sĩ, du kích địa phương đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân địch không dám tổ chức các cuộc càn quét như trước. Sau gần 1.000 ngày chiến đấu dũng cảm, gian khổ, quân - dân ta tiêu diệt hơn 2.000 tên giặc Mỹ, làm hư hỏng 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Kết quả đó là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng vũ trang và nhân dân, đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới” - ông Tư Đô Lương nhớ lại.
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Cần Đước - Cần Giuộc trên “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến’’ là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Long An. Cùng với trận đánh Mỹ 45 ngày đêm tại khu vực Cầu Kinh, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, chiến thắng này góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ’’ của Mỹ trên chiến trường Long An và đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
Thụy Anh